Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, hôm nay (3-11), Quốc hội khóa XV dành trọn 1 ngày để các đại biểu thảo luận tại hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi dự kiến ấn nút thông qua vào cuối kỳ họp này.
Việc Quốc hội thông qua một đạo luật chất lượng được cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những điểm nghẽn, gỡ bỏ nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi rộng, nội dung khó, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến 2 lần tại kỳ họp thứ tư và thứ năm; được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo...
Với vai trò đơn vị chủ trì hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học về các vấn đề lớn. Cụ thể, từ tháng 2 đến tháng 4-2023, đã diễn ra gần 90 hội nghị, hội thảo, phiên họp, cuộc làm việc từ cấp trung ương đến địa phương về việc sửa đổi Luật Đất đai.
Đến nay về cơ bản, dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn; nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Vì thế, trong ngày thảo luận này các đại biểu Quốc hội tập trung góp ý sâu vào những vấn đề lớn, trọng tâm hoặc còn ý kiến khác nhau. Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật thu hút sự quan tâm của cử tri là việc định giá đất bảo đảm nguyên tắc thị trường.
Nguyên tắc định giá đất theo thị trường được cơ quan soạn thảo đưa vào những dự thảo đầu tiên của Luật Đất đai (sửa đổi). Nguyên tắc này được nêu ra trong bối cảnh thị trường đất đai tại Việt Nam hiện vẫn tồn tại cơ chế hai giá, tức một giá theo khung giá đất Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Hai là giá cả trên thị trường, thường xuyên biến động và cao hơn nhiều lần so với khung giá đất. Việc chênh lệch này làm nảy sinh khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất và cho phép Chính phủ quy định phương pháp định giá đất mới chưa được quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thế nhưng, nhiều đại biểu cho rằng quy định định giá đất phù hợp với giá thị trường “nói là vậy nhưng thực tế rất khó”, dù việc bỏ khung giá đất là sửa đổi quan trọng, phù hợp thực tế.
Thực tiễn cho thấy, đất đai luôn gắn liền với quá trình phát triển của con người, của một đất nước. Do đó, kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có tính kế thừa phát huy những mặt đạt được, sửa đổi, bãi bỏ những bất cập, bổ sung những vấn đề mới chặt chẽ, sát với tình hình thực tế để giải quyết những vấn đề mà Luật Đất đai 2013 không thể, hoặc giải quyết chậm do gặp phải những rào cản, mất nhiều thời gian cho người dân hoặc doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cấp thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.