Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi thông ''huyết mạch'' phát triển nông nghiệp

Thế Văn| 19/12/2022 07:56

(HNM) - Việt Nam sẽ có một số hệ thống thủy lợi lớn có thể điều hành tự động. Đây là mong muốn của hết thảy những người làm công tác thủy lợi và bà con nông dân. Nguồn nước là yếu tố hàng đầu của sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự thay đổi hiện trạng của các dòng sông, việc sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi, cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin trong lĩnh vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhiều chuyên gia chung nhận định: Công trình thủy lợi là “huyết mạch” phát triển nông nghiệp. Đây cũng là câu chuyện ngàn đời của các quốc gia mang trong lòng nền văn minh lúa nước. Tuy nhiên, có một thực tế là, các công trình thủy lợi của Hà Nội cũng như nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp, không thể vận hành, thậm chí mất an toàn… Do vậy, úng ngập hoặc hạn hán với người nông dân vẫn là câu chuyện “đến hẹn lại lên”...

Những năm gần đây, Hà Nội đã tập trung nguồn lực, đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho “huyết mạch” này, như: Nạo vét lòng sông, nâng cấp, xây mới các công trình thủy lợi… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít công trình chưa phát huy được đầy đủ công năng. Vì vậy, nỗi lo úng ngập mùa mưa bão hay thiếu nước sản xuất vụ lúa xuân vẫn canh cánh với người Hà Nội. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin vào các công trình cũng như việc vận hành hệ thống thủy lợi dù đã được đặt ra nhưng hiện thực hóa vẫn là cả vấn đề.

Đối phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã thành công trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ trong ngành thủy lợi. Một số công nghệ mới đã được triển khai tại Việt Nam như: Công nghệ quan trắc, vận hành tự động SCADA trong hoạt động quản lý, giám sát, vận hành hồ đập giúp cho việc tích nước, xả lũ an toàn... Tuy nhiên, để hình thành một số hệ thống thủy lợi lớn có thể điều hành tự động vẫn đóng khung trong hai chữ “kỳ vọng”. Hiện thực hóa mong muốn này cần có một tầm nhìn mới trên nền tảng liên ngành, đa ngành cũng như năng lực khoa học công nghệ.

Trong bối cảnh nguồn nước thay đổi, sản xuất thay đổi, cần có một tư duy mới - thủy lợi phải đi trước một bước và hướng tới đa mục tiêu. Các công trình thủy lợi không chỉ bảo đảm nguồn nước cho cây lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản, mà còn cấp nước cho các khu dân cư, khu công nghiệp và thoát nước cho đô thị... Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu là điều chỉnh quy hoạch thủy lợi theo hướng tổng thể, đồng bộ với các quy hoạch hạ tầng khác. Cùng với đó là tăng cường đầu tư cho công tác dự báo (dự báo xu thế nguồn nước, sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất…), qua đó xây dựng các kịch bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm; nâng cao dung tích các công trình thủy lợi hiện có để tạo nguồn và bổ sung nguồn nước…, các cơ quan chức năng cần thúc đẩy nghiên cứu, triển khai các công trình nhằm khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước dòng chính và kiểm soát nguồn nước ở các con sông. Mặt khác, thúc đẩy hoạt động hợp tác, chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng công trình và vận hành hệ thống thủy lợi.

Những mạng lưới thủy lợi lớn có thể điều hành tự động không phải là câu chuyện “ngày một ngày hai”, trước mắt, để khơi thông “huyết mạch”, bảo đảm nguồn nước cho phát triển nông nghiệp, Hà Nội và các địa phương cần khẩn trương khắc phục tình trạng công trình xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông ''huyết mạch'' phát triển nông nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.