(HNM) - Thành phố Hà Nội đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện chất lượng môi trường của Thủ đô. Cùng với giải quyết vấn đề “nóng” là ô nhiễm không khí - đặc biệt là bụi mịn, thành phố đã, đang triển khai nhiều dự án về môi trường như: Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II; Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Linh Quang...
Mặc dù rất cấp bách nhưng hiện tiến độ một số dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do dịch Covid-19 khiến việc nhập khẩu máy móc, vật tư, thiết bị thi công cũng như mời chuyên gia nước ngoài vào làm việc bị gián đoạn. Nhưng, trên hết vẫn là từ nguyên nhân chủ quan mà điểm chung dễ nhận thấy là "nghẽn" trong công tác giải phóng mặt bằng.
Trước thực tế này, thành phố đã chỉ rõ trách nhiệm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng trong việc khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nêu trên. Thực hiện chỉ đạo này, yêu cầu trước hết là các ngành chức năng, địa phương liên quan cần nhận thức, các dự án môi trường nếu chậm triển khai ngày nào sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ngày đó, rộng hơn là tác động đến công tác quản lý, bảo vệ môi trường của Thủ đô.
Theo đó, với những dự án chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, cần tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan như sớm bố trí nhà tái định cư; xử lý dứt điểm các trường hợp đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định nhưng chây ỳ, không chịu bàn giao mặt bằng. Chính quyền các địa phương liên quan cũng cần khẩn trương hoàn thành các bước thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và chi trả kinh phí, bàn giao nhà tái định cư (nếu có) cho các hộ dân. Qua đó, sớm có mặt bằng sạch để bàn giao cho chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị thi công triển khai dự án.
Các hộ dân có đất nằm trong diện giải tỏa cũng cần thấy rõ tính cấp thiết của các dự án môi trường, ủng hộ chủ trương của thành phố, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong thực hiện các bước liên quan để sớm bàn giao mặt bằng, tạo thuận lợi trong triển khai dự án.
Với các dự án đã có đầy đủ mặt bằng, chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát cần phối hợp chặt chẽ, tập trung nhân lực, thiết bị máy móc để đẩy nhanh tiến độ. Quá trình thi công phải bảo đảm chất lượng công trình, theo đúng kế hoạch đề ra và an toàn lao động. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết... theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ sức khỏe người lao động.
Thực tế cho thấy, mỗi dự án môi trường có đặc thù cũng như những khó khăn, vướng mắc khác nhau. Vấn đề là các chủ đầu tư, nhà thầu cần chủ động phối hợp tốt với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng của thành phố để tập trung tháo gỡ, xử lý từng “điểm nghẽn” của dự án. Sự phối hợp này phải thường xuyên, liên tục để hai bên nắm bắt được ngay những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai dự án, từ đó cùng giải quyết hiệu quả, kịp thời.
Tựu trung, để bảo đảm từng phần việc của mỗi dự án được trôi chảy, cần khơi thông các "điểm nghẽn", phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả. Chỉ có như vậy mới có thể đẩy nhanh tiến độ các dự án về môi trường - những công trình đang được người dân Thủ đô hết sức quan tâm, mong đợi hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.