Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh

An Tôn - Phương Nam| 15/04/2023 13:06

(HNMO) - Hạ tầng giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh lâu nay được đánh giá là chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Một trong những khó khăn là do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Thành phố đã chủ động và đang đề xuất nhiều cơ chế để khơi thông nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông.

Hạ tầng giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá thiếu và yếu, cần nguồn vốn lớn để nâng cấp, mở rộng.

Nhu cầu vốn rất lớn

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố cần khoảng 266.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông (trong đó, vốn ngân sách thành phố là 92.000 tỷ đồng, chiếm 34,6%; vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 174.000 tỷ đồng, chiếm 65,4%). Đến năm 2030, thành phố phấn đấu có thêm 454km (gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn...).

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội phê duyệt và HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua bố trí cho lĩnh vực giao thông là 52.744 tỷ đồng, chỉ đạt 19,8% so với tổng nhu cầu. Vì vậy, tính đến tháng 4-2023, các tuyến đường trục chính đô thị, cửa ngõ, kết nối với các tỉnh lân cận... của thành phố chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch, chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông.

Đường Vành đai 2 thành phố Hồ Chí Minh chưa được khép kín do thiếu vốn.

Theo tính toán, 6 dự án cần sớm được mở rộng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông đang xảy ra hằng ngày gồm: Mở rộng quốc lộ 1 (gần 12,9 nghìn tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) khoảng 1.200 tỷ đồng; mở rộng quốc lộ 13 đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh (hơn 12.190 tỷ đồng); dự án xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường Vành đai 3 chiều dài 9,7km cần khoảng 13.837 tỷ đồng; mở rộng trục đường Bắc - Nam cần 54.204 tỷ đồng; xây dựng đường song hành quốc lộ 50 tạo tuyến đường động lực cần hơn 3.800 tỷ đồng. 

Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm, các dự án này nếu trông chờ nguồn vốn Trung ương hay ngân sách thành phố, sẽ rất lâu mới có thể hoàn thành. Do đó, hướng huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư đã được tính đến và có khả năng huy động được, nhưng cần tính toán hình thức huy động hiệu quả.

Hiện nay, khó khăn là các quy định hiện tại không cho phép thực hiện dự án BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao) trên đường hiện hữu, nên không thể dùng BOT mở rộng tuyến đang có. Còn các dự án BT (xây dựng, chuyển giao) đang bị tạm dừng, không còn cơ chế đổi đất lấy hạ tầng như trước, trong khi việc trả dần bằng tiền ngân sách lại chưa được Trung ương hướng dẫn triển khai. 

Một dự án giao thông tại thành phố Thủ Đức thi công dở dang vì thiếu vốn và mặt bằng.

Phát huy tiềm năng đối tác công tư

Từ đầu những năm 2000, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm mô hình đối tác công tư trong xây dựng hạ tầng giao thông bằng hợp đồng BT, với việc huy động nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, thành phố trả dần bằng tiền hoặc trả bằng đất. Trong giai đoạn 2005-2020, thành phố đã triển khai thành công 22 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 51.000 tỷ đồng.

Các công trình tiêu biểu cho các dự án BT này là cầu Kênh Tẻ 2, cầu Ông Lãnh, cầu Văn Thánh 2, cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Sài Gòn 2... Còn với hợp đồng đầu tư BOT, thành phố mở rộng xa lộ Hà Nội rộng gấp 6 lần quy mô cũ; xây mới cầu Phú Mỹ lớn nhất Đông Nam Bộ.

Cầu Sài Gòn 2 được xây dựng bằng hợp đồng BT.

Tuy nhiên, sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được Quốc hội ban hành tháng 6-2020, việc đổi đất lấy hạ tầng không được phép thực hiện, nhằm hạn chế sai phạm trong định giá thấp quỹ đất quy đổi khi thanh toán cho nhà đầu tư.

Cùng với đó, việc triển khai BOT trên đường hiện hữu cũng không còn được triển khai, tránh việc trải nhựa mặt đường cũ nhưng thu giá dịch vụ sử dụng đường như làm đường mới đã từng xảy ra nhiều nơi. Ở phía Nam, điển hình là những ồn ào tại BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) năm 2017.

Xa lộ Hà Nội được nâng cấp, mở rộng bằng hợp đồng BOT.

Đáng mừng là Trung ương đã gợi mở cơ chế đặc thù để thành phố Hồ Chí Minh phát huy thế mạnh hình thức đầu tư PPP. Cụ thể, qua 5 lần nhận góp ý chỉnh sửa, bổ sung của các chuyên gia ở bộ, ngành Trung ương, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét. 

Trong kỳ họp tháng 4-2023, Ủy ban Thường vu Quốc hội cũng đã thông qua việc trình dự thảo Nghị quyết này để các đại biểu Quốc hội xem xét, thảo luận, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2023. Về phát triển hạ tầng giao thông, dự thảo cho phép thành phố được thí điểm triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông bằng hợp đồng BT, trả dần bằng tiền ngân sách và triển khai BOT trên đường hiện hữu. 

Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết mới còn cho phép HĐND thành phố có thể bổ sung vốn và dự án đầu tư công trung hạn ngoài danh mục đã được Quốc hội thông qua và HĐND thành phố phê chuẩn trước đó, nếu vốn ngân sách thành phố có thể thu xếp được.

Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng cơ chế mới sẽ khơi thông nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông.

Bày tỏ đồng tình với hướng mở này, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, với dự án BT, thực chất là thành phố có thể dùng vốn ngân sách để trả chậm cho nhà đầu tư theo thỏa thuận. Nguồn tiền này có khi thành phố bán đấu giá các quỹ đất, nên không còn nỗi lo đất bị định giá thấp như trước. 

Còn theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, các chính sách trên nếu được triển khai, sẽ giúp thành phố thực hiện ngay các dự án đầu tư trọng điểm cấp bách về giao thông, không phụ thuộc vào khả năng cân đối kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai 2020-2025.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.