(HNMO)- Chiều nay (6/7), tại Hà Nội, Mạng lưới giám sát buôn bán động thực vật hoang dã - Traffic và Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia đã chính thức phát động Sáng kiến“Chí” hay “Sức tại Chí” giai đoạn 2 với những thông điệp và hình ảnh tươi mới nhằm thay đổi hành vi hướng tới việc không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam.
Buổi họp báo ra mắt chiến dịch "Sức tại Chí 2" |
Sáng kiến được xây dựng dựa trên khái niệm “Chí”hay “Sức tại Chí” trong văn hoá Việt Nam để tác động tới nhóm đối tượng chính tiêu thụ sừng tê giác: những đàn ông thành thị thành đạt trong độ tuổi 35 đến 55.
Thông điệp “Chí” truyền tải ý tưởng rằng sự thành công, uy tín và may mắn trong cuộc đời người đàn ông bắt nguồn từ ý chí và sức mạnh từ bên trong, không đến từ một mảnh sừng; khuyến khích các doanh nhân thành đạt nên thể hiện bản lĩnh và “Chí” của họ bằng việc trở thành những nhà lãnh đạo tiên phong trong các công việc trách nhiệm xã hội và bảo vệ động vật hoang dã.
Giai đoạn hai của “Chí” được xây dựng trên nền tảng này, nhưng phát triển mạnh mẽ hơn nữa: “Vượng từ Chí, Lụi vì sừng”.Thông điệp mới tiếp tục kêu gọi giới doanh nhân mạnh dạn trở thành những thủ lĩnh trong cộng đồng của họ và đứng dậy chống lại việc tiêu thụ sừng tê giác trong cuộc sống và trong mạng lưới doanh nghiệp.
Trong giai đoạn mới này, doanh nhân Trần Bảo Sơn cùng với doanh nhân Khải Silk và nhiều những doanh nhân thành đạt khác, tuyên bố rằng đàn ông nên phát huy sức mạnh bên trong và bản lĩnh của họ và bác bỏ quan điểm cho rằng những thành công này xuất phát từ yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như sừng tê giác.
Nhu cầu về sừng tê giác ở châu Á đã thúc đẩy nạn săn trộm tê giác ở châu Phi và châu Á, với hơn 1000 cá thể tê giác bị giết trộm mỗi năm để lấy sừng, đẩy loài tê giác tới bờ tuyệt chủng. Sừng tê giác được dùng chủ yếu bởi những người giàu để giải độc cơ thể hoặc phô trương sự giàu có của mình: việc mua và bán sừng tê giác là vi phạm pháp luật ở luật pháp của cả Việt nam và Thế giới.
Theo BTC cho biết, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các tổ chức xã hội dân sự lớn như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam(VATA) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang là các đối tác chính và giữ vai trò lãnh đạo trong việc tích hợp các sáng kiến “Chí” trong kinh doanh và xã hội.
Bà Madelon Willemsen, Trưởng đại diện Traffic tại Việt Nam cho biết: “Sáng kiến“Chí” đã tiếp cận trên 5 triệu người Việt Nam nói chung và hơn 2 triệu người thuộc nhóm đối tượng mục tiêu nói riêng tham gia các hội thảo, tập huấn và sự kiện ở Việt Nam. Các khu vực tư nhân và khu vực công đang bắt đầu thể hiện sự lãnh đạo trong cuộc chiến chống buôn bán động vật hoang dã với "Chí" là động lực để không khoan nhượng đối với việc tiêu thụ bất hợp pháp động vật hoang dã. "
Phát biểu tại Lễ phát động "Sức tại Chí 2", diễn viên, doanh nhân Trần Bảo Sơn cho biết:: "Nhận làm Đại sứ cho chương trình này, tôi thấy rất vinh dự. Tôi luôn quan niệm mọi sự thành công đều không đến dễ dàng. Thành công ấy chỉ có thể lý giải bằng những tháng ngày học tập miệt mài ở trường học, những tháng ngày bôn ba khởi nghiệp thất bại không biết bao nhiêu lần, hay bằng sự dũng cảm dám dấn thân vào những lĩnh vực mới mẻ. Để rồi, những thất bại ấy hun đúc nên thành những kinh nghiệm vô giá. Sơn tích luỹ những kinh nghiệm vô giá ấy để đi từng bước đến thành công. Sơn tâm niệm may mắn chỉ đến khi mình có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, vì thế là doanh nhân nhưng Sơn không bao giờ cần có 1 mảnh sừng tê giác để đem lại may mắn cho mình.
Thành công đã phải trả học phí bằng mồ hôi, nước mắt và rất nhiều nỗ lực. Nhưng chỉ có đi lên bằng chính trải nghiệm gian khổ của mình, thì thành công mới bền vững. Liệu quý vị có thấy trong tâm mình bình yên khi được coi là “thành đạt” vì có sừng tê giác để dùng? Đằng sau sự “thành đạt” ấy là tiếng kêu cứu của thiên nhiên hoang dã, là sự tuyệt chủng của một loài động vật mà mình đang góp phần tạo ra. Và rồi khi đa dạng sinh học toàn cầu bị phá vỡ, chính con người lại phải gánh chịu hậu quả".
"Với thông điệp: Người đàn ông Việt Nam thành công dựa vào sức mạnh của ý chí – Chí là một chiến dịch truyền thông đầy sáng tạo thể hiện ý tưởng: “Thành Công tới từ nội lực bên trong, không đến từ một mảnh sừng”. Phải nói là, chiến dịch Chí đã có nhiều ý tưởng rất hay, rất sáng tạo khi đưa thông điệp chính của mình đan xen, lồng ghép vào nhiều sự kiện của giới doanh nhân, đồng thời triển khai được nhiều phong trào có ý nghĩa như đạp xe vì tê giác, cắt móng tay vì tê giác, lôi kéo được hàng trăm nghìn người trực tiếp tham gia. Đến đây thì Sơn xin tiết lộ thêm một điều, chính những hoạt động hết sức chuyên nghiệp, sáng tạo về hình thức thực hiện, phạm vi rộng và có chiều sâu của chiến dịch là một lý do quan trọng thu hút và thôi thúc Sơn tham gia. Sơn muốn truyền ngọn lửa nhiệt huyết của mình đến quý vị để tất cả chúng ta cùng chung tay bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. " - Diễn viên Trần Bảo Sơn cho biết thêm.
Sáng kiến“Chí” giai đoạn một được khởi động vào Ngày Tê giác Thế Giới – 22/9/014 bởi tổ chức Traffic, Tổ chức Bảo vệ Tê giác Thế giới và tài trợ bởi chính phủ Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.