Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn trong quản lý cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản

Đào Huyền| 18/05/2019 08:25

(HNM) - Để nâng cao ý thức cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và người tiêu dùng về thực phẩm sạch, thời gian qua, ngoài xây dựng những mô hình nông sản sạch ở các địa phương, Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, xếp loại các cơ sở sản xuất nông sản.

Đoàn kiểm tra liên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty cổ phần Davicorp Việt Nam (huyện Thanh Trì).


Vẫn khó ở cơ sở

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, Chi cục đã kiểm tra đánh giá, xếp loại 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Trong đó, 70 cơ sở được xếp loại A và B, 16 cơ sở xếp loại C, 4 cơ sở không đánh giá... Các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn cho các hộ sản xuất ban đầu nhỏ lẻ và tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn với 183.574/202.527 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo quy định, đạt 91%. Các xã, phường, thị trấn đã giao cho cán bộ thú y, bảo vệ thực vật thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giám sát và tổ chức kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, quá trình quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn gặp khó khăn do cán bộ làm công tác nông, lâm, thủy sản tuyến cơ sở chủ yếu dựa vào lực lượng nhân viên thú y, bảo vệ thực vật tại các xã, phường, thị trấn và cán bộ phòng kinh tế các quận, huyện, thị xã... trong khi lực lượng này thường xuyên thay đổi, chuyên môn chưa phù hợp, dẫn đến công tác tham mưu cho chính quyền địa phương để triển khai nhiệm vụ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Ngô Đình Loát, công nghệ sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm ở các cơ sở còn thủ công; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đáp ứng; chi phí đánh giá chứng nhận và duy trì các tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000... hiện nay còn cao đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; sản phẩm đầu ra gặp khó khăn trong tiêu thụ nên chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện. Một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích trước mắt đã có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Từ đầu năm đến nay, ngành Nông nghiệp đã tổ chức thanh tra, kiểm tra ở 77 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản và ra quyết định xử phạt hành chính 29 cơ sở với số tiền hơn 231 triệu đồng, với các vi phạm chủ yếu như: Sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không bảo đảm điều kiện trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Xây dựng cơ sở sản xuất an toàn

Để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho việc quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục xây dựng, mở rộng các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn các sản phẩm chủ lực của thành phố, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Hà Nội tiếp tục phát triển hợp tác xã, liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc gắn với phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và xuất khẩu.

Đồng thời, các đơn vị của ngành Nông nghiệp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), thực hành sản xuất tốt (GMP), áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, Hà Nội tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Ngành Nông nghiệp cũng tiếp tục phát triển ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử sử dụng mã QRcode trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nông, lâm, thủy sản theo chuỗi. Trong đó, tập trung vào sản phẩm nguy cơ cao như: Rau, củ, quả, trái cây, thịt, thủy sản...

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung: Để nâng cao trách nhiệm quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các xã, thị trấn tăng cường triển khai ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn đối với 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo Thông tư 17/2018/TT - BNNPTNT ngày 30-10-2018 của Bộ NN&PTNT.

Thông tư này quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. Các địa phương tăng cường lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; phát hiện, truy xuất nguồn gốc và yêu cầu khắc phục triệt để các vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau, củ, quả, chè... kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, phụ gia; ô nhiễm vi sinh nhằm bảo đảm chất lượng nông sản khi lưu thông...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong quản lý cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.