(HNMCT) - Giữa tháng 8, đội tuyển bóng đá nam U18 Việt Nam đã bị loại khỏi vòng bán kết Giải vô địch bóng đá U18 Đông Nam Á năm 2019. Đội bóng trẻ của ta chịu thua đội U18 Australia với tỷ số 1-4, thua đội tuyển U18 Campuchia với tỷ số 1-2 tại vòng loại bảng B. Sau trận thua “muối mặt” trước đội U18 Campuchia, huấn luyện viên trưởng U18 Việt Nam - ông Hoàng Anh Tuấn đã làm đơn từ chức và được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chấp thuận.
Điều đáng nói là sau giải đấu nói trên, vấn đề không chỉ nằm ở chỗ các cầu thủ trẻ Việt Nam chịu thất bại “không tưởng”, mà còn là cách tiếp nhận thất bại của người hâm mộ và một số chuyên gia, nhà quản lý câu lạc bộ bóng đá. Sau trận đấu giữa U18 Việt Nam và Campuchia, xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích cầu thủ trẻ Việt Nam và huấn luyện viên trưởng Hoàng Anh Tuấn, đem cả chuyện “quân anh, quân tôi” vào để “luận tội” huấn luyện viên người Khánh Hòa.
Phía sau những lời chỉ trích đó, không khó để nhận ra thái độ ăn thua cay cú, những lời chỉ trích không đơn thuần mang ý nghĩa chuyên môn và bởi vậy, rất khó để đánh giá là mang tính khách quan dựa trên tinh thần xây dựng.
Đội U18 Việt Nam bị loại vì nhiều lý do, nhưng chắc chắn không phải do trình độ kém hơn đội tuyển U18 Campuchia. Bởi thế, việc xem xét trách nhiệm của ban huấn luyện, trong đó có huấn luyện viên trưởng, là điều cần phải làm. Sa thải huấn luyện viên hoặc nhanh chóng chấp nhận đơn xin từ chức từ phía họ cũng là điều hợp lý, nhằm mở đường cho một sự đổi mới ở các đội tuyển bóng đá trẻ.
Nhưng từ một, hai giải đấu thất bại mà tỏ thái độ “phủ nhận sạch trơn” công lao của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn thì không thuyết phục bởi chỉ cách đây vài năm thôi, cơ quan quản lý và người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã từng “tung hoa”, dùng không biết bao nhiêu mỹ từ để khen ngợi vị huấn luyện viên này khi ông góp công đưa đội tuyển trẻ Việt Nam lọt vào vòng chung kết Giải vô địch bóng đá U20 thế giới. Thắng - khen, thua - chê trong bóng đá là điều dễ hiểu, nhưng tỏ thái độ kiểu “quay ngoắt 180 độ” như đã thấy là cách ứng xử không thuyết phục được nhiều người.
Nhìn ra thế giới và trong nước để “luận” cách ứng xử của người xem bóng đá, trong “mẫu số chung” là thắng - vui, thua - buồn bao giờ cũng tồn tại nét cá biệt, thể hiện ở hành vi và lời nói mang tính cực đoan: Thắng thì “nổ vang trời” và thua thì tỏ thái độ chê bai như “đào đất đổ đi”.
Nhưng mức độ thể hiện thì ở mỗi nơi có khác. Ở ta, khi đội tuyển U23 Việt Nam giành giải nhì Giải vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra trên đất Trung Quốc, hàng triệu người đã đổ ra đường ăn mừng - điều khó tin ở những quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới bởi thành tích chỉ là huy chương bạc và đó chỉ là sân chơi của bóng đá trẻ.
Những trận đấu ở cấp độ tuyển trẻ quốc gia có sự góp mặt của Xuân Trường, Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu, Công Phượng... nhận được sự quan tâm đặc biệt, khác hẳn với bầu không khí cổ động cho đội tuyển U18 Việt Nam tại giải đấu vừa qua. Những khán đài vắng vẻ và sự “quay lưng” khi “người hùng” vắng mặt thể hiện điều gì? Có thể coi đó là cách ứng xử thể hiện tình yêu bóng đá Việt Nam hay không?
Chúng ta, nhìn chung, tận hưởng niềm vui từ bóng đá qua những trận thắng của các đội tuyển quốc gia nhưng không phải ai cũng thể hiện trách nhiệm đồng hành cùng họ - chung niềm vui thắng trận và chia sẻ nỗi buồn thua cuộc nhằm động viên nhau.
Những tiếng reo hò và làn sóng người trên Sân vận động quốc gia Mỹ Đình xuất hiện dồn dập khi đội nhà thể hiện ưu thế, nhanh chóng tắt lịm khi đội tuyển bị đối thủ dồn ép hoặc dẫn trước về tỷ số. Cách cổ vũ đó không phải cách ứng xử của cổ động viên bóng đá đích thực.
“Thắng không kiêu, bại không nản”. “Đội mạnh hơn không phải lúc nào cũng thắng”. “Bóng đá trẻ cần tránh xa bệnh thành tích”... Nói ra được những điều căn bản cần có khi theo dõi hành trình phát triển của bóng đá Việt Nam thì cũng cần có hành động tương xứng. Thua một giải đấu ở cấp độ trẻ mà đã “cạn tình” thì đó rõ ràng là cách thể hiện “khi vui thì vỗ tay vào...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.