(HNM) - Theo Quyết định số 64/2013/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ thì trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp (ĐH-CĐ-TCCN) được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện như có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên... đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo
Trường đi thuê
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - Quốc hội khóa XIV về tình hình hoạt động, phát triển các trường ĐH-CĐ-TCCN tại TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều trường chưa làm thủ tục chuyển sở hữu về nhà trường theo quy định. Một số trường có quyết định đặt cơ sở đào tạo chưa đúng quy định (Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh) và một số trường có cơ sở đào tạo chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nhiều trường có sử dụng phần lớn cơ sở hạ tầng thuê mướn để hoạt động và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đặt địa điểm đào tạo. So với cam kết thành lập, nhiều trường chưa có đủ đất thuộc sở hữu mà vẫn thuê mướn cơ sở đào tạo tạm bợ.
Đơn cử, tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng sau khi có nhà đầu tư mới vẫn phải đi thuê mướn cơ sở rải rác tại nhiều quận trong thành phố. Đáng nói, Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định thành lập từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn phải thuê mướn 100% cơ sở phục vụ hoạt động tại quận 7, quận 10, quận Tân Phú. Trong khi đó, nhiều trường ĐH công lập có thương hiệu cũng vẫn phải đi thuê mướn cơ sở để đào tạo như Trường ĐH Tài chính Marketing, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, Trường ĐH Mở... Tương tự, các trường CĐ mang danh “quốc tế” vẫn đi thuê 100% cơ sở để hoạt động như Trường CĐ quốc tế PSB, Trường CĐ quốc tế Kent và Trường CĐ Nghề Việt Mỹ. Còn riêng các trường TCCN tại TP Hồ Chí Minh đến 90% là đi thuê mướn các cơ sở để đào tạo.
Cần cơ chế minh bạch thông tin
Trao đổi về vấn đề này, TS Phạm Thị Ly (Viện Nghiên cứu đào tạo quốc tế - thuộc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhà đầu tư hay giảng viên, kể cả sinh viên thì cũng đều mong ước có cơ sở vật chất tốt phục vụ cho dạy và học. Nhưng chi phí cho đất đai ở những thành phố lớn quá đắt đỏ, nếu mua đất xây trường, chi phí vốn cũng sẽ đội lên và cuối cùng sinh viên sẽ phải gánh mức học phí cao...
Một chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục khác nhận định, tại TP Hồ Chí Minh có thể vì quy chế tư thục còn chưa ổn định, nên không ít nhà đầu tư chỉ lo tồn tại chứ chưa thực chú trọng tính bền vững trong xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt hay cơ sở vật chất...
Muốn giải quyết bài toán cơ sở vật chất cho các trường ĐH-CĐ-TCCN tại TP Hồ Chí Minh, TS Phạm Thị Ly phân tích, cơ quan quản lý cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi như dữ liệu xây dựng chính sách, chất lượng của chính sách và những cơ chế thúc đẩy minh bạch thông tin, thay vì đuổi theo kiểm soát hoạt động của cấp trường. Thay vì đặt câu hỏi “cơ quan quản lý cần làm gì để kiểm soát các trường?”, cần quan tâm tới việc “cơ quan quản lý có thể làm gì để hỗ trợ các trường trong việc phục vụ lợi ích của người học?”.
Song song giải pháp trên, có ý kiến cho rằng cần công khai các số liệu về tình trạng cơ sở vật chất, lực lượng giảng viên, thẩm định về chất lượng đào tạo của từng trường, để người học tự chọn môi trường đào tạo; trường nào không đủ cơ sở vật chất thì đóng cửa; trường nào chịu đầu tư, có dự án khả thi và có đất thì Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.