Giáo dục

Đề xuất hạ chuẩn trong tuyển dụng giáo viên:Chất lượng giảng dạy có bảo đảm?

Thống Nhất 04/04/2024 - 06:38

Trước tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra tại nhiều địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng, tức là mức thấp hơn so với chuẩn quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Dù được xác định chỉ là giải pháp tình thế, thực hiện từ nay đến hết năm 2028 nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tuy nhiên việc này vẫn khiến nhiều người lo ngại...

giao-vien.jpg
Hướng dẫn học sinh ôn tập tại Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Đỗ Tâm

Hạ chuẩn vì thiếu giáo viên

Điều 71, Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên là: “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trường hợp môn học còn thiếu thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định trên đã được các địa phương xây dựng lộ trình nâng chuẩn để bảo đảm hoàn thành vào năm 2030 theo quy định chung.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp như lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên; các môn học mang tính đặc thù như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật... Đa số các trường trung học phổ thông chưa có giáo viên môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) để học sinh lựa chọn môn học theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ Chính trị đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, trong đó riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên; năm học 2023-2024 giao bổ sung 27.860 biên chế giáo viên.

Song, tính đến hết học kỳ I năm học 2022-2023, các địa phương chỉ tuyển dụng được hơn 55% chỉ tiêu được giao, do thiếu nguồn tuyển dụng. Đơn cử như tại Hà Nội, kỳ tuyển dụng năm 2023 thông báo có 608 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 400 người. Trong số 208 chỉ tiêu chưa tuyển dụng được, có tới 115 chỉ tiêu không có người đăng ký.

Thời gian qua, các địa phương đã chủ động nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, song chỉ là tình thế, về lâu dài cần có giải pháp tổng thể và thống nhất trên diện rộng. Xuất phát từ thực tế này, tại dự thảo hồ sơ lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy một số môn học đang thiếu giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Mối lo ảnh hưởng chất lượng dạy học

Theo dự báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2024-2025, cả nước thiếu khoảng 30.000 giáo viên, trong đó cấp trung học cơ sở thiếu hơn 18.000 giáo viên, cấp tiểu học thiếu hơn 12.000 giáo viên. Trong đó, môn thiếu giáo viên nhiều nhất là công nghệ (thiếu hơn 11.500 giáo viên); tin học (thiếu hơn 6.600 giáo viên); tiếng Anh (thiếu gần 5.800 giáo viên); nghệ thuật (thiếu hơn 4.300 giáo viên)...

Việc tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng thay vì đại học là giải pháp khả thi và cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đang phổ biến ở các địa phương, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang dần phủ kín các khối lớp.

Đề xuất hạ chuẩn trong tuyển dụng giáo viên từ trình độ đại học xuống trình độ cao đẳng khiến không ít người lo ngại rằng chất lượng dạy học sẽ bị ảnh hưởng. Băn khoăn này không phải không có cơ sở bởi trước đây, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giáo dục 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã viện dẫn sự cần thiết phải nâng chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo nhằm chấm dứt tình trạng giáo viên tốt nghiệp trung cấp dạy tiểu học, giáo viên tốt nghiệp cao đẳng dạy trung học cơ sở.

Để bảo đảm duy trì chất lượng dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp tuyển dụng ở từng môn. Cụ thể, nếu thiếu giáo viên dạy môn lịch sử và địa lý, địa phương được tuyển người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về địa lý hoặc lịch sử hoặc ngành ghép các môn trong đó có môn địa lý hoặc lịch sử.

Nếu thiếu giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên, địa phương được tuyển người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên về vật lý hoặc hóa học hoặc sinh học, hoặc ngành ghép các môn, trong đó có một trong số các môn nêu trên. Giải pháp tương tự cũng áp dụng ở các môn học khác.

Cũng theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tuyển dụng đối tượng này được thực hiện đến hết năm 2028. Dự tính số lượng người có trình độ cao đẳng chuyên ngành sẽ được bổ sung là khoảng 10.000 người. Các giáo viên này sau khi tuyển dụng được tham gia lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Chính phủ để đến năm 2030 đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam:
Sau khi tuyển dụng cần có thời gian thử thách

tung-lam.jpg

Trong khi nhiều địa phương đang thiếu giáo viên thì việc có người trình độ cao đẳng để tuyển ngay là giải pháp tốt. Đáp ứng yêu cầu chất lượng, sau khi tuyển dụng người có trình độ cao đẳng, cần có thêm 2 điều kiện đi kèm: Giáo viên phải có thời gian thử thách xem có đủ năng lực, trình độ để dạy hay không và phải tiếp tục tự rèn luyện, bồi dưỡng để đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Cơ quan quản lý cần quy định rõ, nếu sau thời gian rèn luyện mà không đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn, không đủ năng lực để giảng dạy thì sẽ phải thay người khác.

Chúng ta yên tâm chấp nhận giải pháp này để giải quyết khó khăn trước mắt, nhưng cần đồng thời triển khai 3 việc: Cơ quan quản lý phải quan tâm tổ chức bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên; nhà trường cần có trách nhiệm, tạo điều kiện để giáo viên được tham gia bồi dưỡng; giáo viên được tuyển dụng cũng phải có ý thức tự bồi dưỡng. Nếu làm được 3 yếu tố này thì chúng ta hoàn toàn yên tâm về chất lượng giảng dạy.

Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) Nguyễn Thị Lan Hương:
Căn cứ đặc thù môn học để tuyển dụng giáo viên

lan-huong.jpg

Nơi thiếu giáo viên có thể tuyển người tốt nghiệp cao đẳng thay vì đại học như quy định tại Luật Giáo dục, tuy nhiên cần xem xét đặc thù môn học để có giải pháp phù hợp nhằm không ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Với các môn năng khiếu như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật thì có thể tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng. Nhưng với môn khoa học tự nhiên, ngoại ngữ thì cần xem xét kỹ vì sự phát triển của xã hội và yêu cầu của người dân ngày càng đòi hỏi giáo viên phải có trình độ cao.

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, bên cạnh giải pháp tình thế là tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng, thì đồng thời cần triển khai các giải pháp nhằm giúp giáo viên cải thiện cuộc sống. Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các giải pháp để nâng cao mức thu nhập của nhà giáo, để họ thực sự sống được bằng nghề và yên tâm gắn bó với nghề.

Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy):
Có các giải pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ

thi-cuc.jpg

Tôi chia sẻ với những khó khăn hiện nay, nhưng rất lo lắng về chất lượng giảng dạy của giáo viên trình độ cao đẳng. Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề cập đến việc chỉ tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp cao đẳng gần với môn sẽ giảng dạy, nhưng giải pháp nào để kiểm tra, giám sát chất lượng dạy học thực tế của đội ngũ này ở các nhà trường lại chưa được đề cập rõ.

Nếu chủ trương tuyển giáo viên trình độ cao đẳng được thông qua, dù chỉ là giải pháp tình thế, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương phải có các giải pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ, bảo đảm các lứa học sinh đều được hưởng thụ chất lượng giáo dục bình đẳng.

Với các môn học tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học mở mã ngành đào tạo tương ứng, hạn chế tối đa tình trạng giáo viên đơn môn chỉ được bồi dưỡng ngắn hạn để về dạy môn tích hợp.

Minh Khang

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất hạ chuẩn trong tuyển dụng giáo viên: Chất lượng giảng dạy có bảo đảm?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.