Doanh nghiệp

Khi doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Bảo Hân - Thanh Hiền 13/10/2024 - 08:13

Trước những khó khăn, thách thức vẫn liên tục phát sinh, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục lấy doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu có cơ chế, chính sách đặc biệt dành cho doanh nghiệp, quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp trên bước đường phát triển.

go-kho-khan-thuc-day-san-xuat-kinh-doanh-doi-voi-cac-doanh-nghiep-hop-tac-xa-ho-san-xuat-kinh-doanh-tren-dia-ban-thanh-pho..jpg
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Xây dựng chính quyền phục vụ

Ngày 4-10-2024, HĐND thành phố Hà Nội nhất trí thông qua đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố, trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là nơi tiếp nhận thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm đầu mối bộ phận "một cửa", qua đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục được trân trọng, là trung tâm, chủ thể và động lực để xây dựng, thiết kế mô hình.

Theo số liệu thống kê trên phạm vi cả nước, trung bình mỗi cán bộ làm công tác đăng ký thành lập doanh nghiệp giải quyết khoảng 7 hồ sơ/ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ này tại Hà Nội là khoảng 37 hồ sơ/ngày.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, dù có các thủ tục quy định về thành phần hồ sơ khác nhau nhưng thời gian giải quyết chung chỉ có 3 ngày và đều được Sở tiếp nhận, giải quyết trực tuyến 100%. Tới đây, khi Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố đi vào hoạt động, việc triển khai những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, trên tinh thần giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, đi lại.

Trước đó, kể từ ngày 1-1-2023, thành phố Hà Nội đã chính thức phân cấp, phân quyền, tăng quyền tự chủ, tự quyết cho cấp cơ sở để thủ tục “gần dân nhất, gần doanh nghiệp nhất”. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố có sự phân cấp quyết liệt đến vậy nhằm giảm bức xúc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân đánh giá rất cao sự hỗ trợ của các cấp, ngành thành phố khi liên tục trong những năm gần đây đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giảm nhiều thủ tục hành chính, hỗ trợ nguồn vốn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo cơ chế đầu tư, kinh doanh thông thoáng...

Đặc biệt, từ tháng 8-2023, UBND thành phố Hà Nội đã thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Tổ trưởng tổ công tác Trần Sỹ Thanh cùng lãnh đạo thành phố và các sở, ngành thường xuyên chủ trì các phiên họp, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, trực tiếp nghe ý kiến, nắm bắt vướng mắc của từng dự án để chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm. Được biết, tính đến giữa tháng 8-2024, đã có 46 kiến nghị của 45 nhà đầu tư; trong đó, 43/46 kiến nghị đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị rà soát, báo cáo, 3 kiến nghị đang được xử lý.

Doanh nghiệp cảm nhận và cống hiến

Phó Tổng Giám đốc Thứ nhất Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Bùi Đức Huy cảm nhận, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn có chủ trương hỗ trợ tốt nhất cho những doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn cho thành phố, như giảm thuế trước bạ, thuế giá trị gia tăng hay hỗ trợ thông quan nguyên, vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất.

Với các mặt hàng sản xuất trong nước, Hà Nội có cơ chế ưu tiên về mặt bằng sản xuất. Chuyên gia nước ngoài làm việc, sinh sống tại Hà Nội được giải quyết nhanh nhất thủ tục hành chính, bảo đảm yên tâm sinh sống, gắn bó và yêu mến Hà Nội. “Từ việc chăm sóc y tế, bảo đảm sức khỏe cho người lao động đến vấn đề an ninh trật tự, bảo đảm hạ tầng, tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp đều được các sở, ngành hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả”, ông Bùi Đức Huy nói.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Doanh trí, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup Lê Thị Dung chia sẻ, Dgroup cũng như nhiều doanh nghiệp khác được Trung tâm Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) trợ giúp rất nhiều, đặc biệt là hoạt động chia sẻ, đào tạo, tư vấn chuyển đổi số.

“Sự hỗ trợ về thuế, các khoản vay với lãi suất ưu đãi, liên kết với một số ngân hàng hay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Hà Nội luôn là những trợ lực đặc biệt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có cơ hội tham gia đối thoại với lãnh đạo UBND thành phố, với Chính phủ để được kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách”, bà Lê Thị Dung nêu.

Qua cảm nhận của các doanh nghiệp, có thể thấy, sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp được thành phố Hà Nội thực hiện đồng bộ, tổng thể, sâu sát, thiết thực, cụ thể. Đầu năm 2024, thành phố đã lên kế hoạch tổ chức các hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Thực hiện theo kế hoạch, các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp đã diễn ra ngày 5-4; đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc được tổ chức ngày 10-5; hội nghị “gỡ khó” cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề diễn ra ngày 5-7; đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội tổ chức ngày 16-8...

Không chỉ dừng ở đối thoại, thành phố thiết lập và duy trì hệ thống thông tin theo phương thức trực tuyến, mới nhất là ứng dụng iHanoi giúp doanh nghiệp có thể tương tác với cơ quan chính quyền dễ dàng, thuận tiện hơn.

Từ yêu cầu thực tiễn trong những năm qua, Hà Nội đã và đang lựa chọn đúng và trúng những vấn đề cấp bách, xác định được các “điểm nghẽn” để tập trung chỉ đạo nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển. Thành phố từng bước xây dựng văn hóa phát triển mà ở đó mọi thành quả đều có sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Đồng thời, người dân, doanh nghiệp cũng chính là đối tượng thụ hưởng từ sự phát triển đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.