Doanh nghiệp

Kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024): Nâng cao vai trò doanh nghiệp, doanh nhân Việt: Vì mục tiêu ích nước, lợi nhà

Anh Minh 13/10/2024 06:35

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ra đời từ rất lâu. Tuy nhiên, giới doanh nghiệp, doanh nhân nước nhà chỉ thật sự phát triển với sự tự tin, khát vọng và lớn mạnh trên con đường vì mục tiêu “ích nước, lợi nhà” từ thời điểm thực hiện công cuộc đổi mới đến nay. Cộng đồng doanh nghiệp ngày càng xứng đáng với vị thế nòng cốt của kinh tế đất nước…

cac-doanh-nhan-duoc-ton-vinh-tai-le-trao-giai-thuong-doanh-nhan-tre-thang-long-va-tuyen-duong-doanh-nhan-tre-thu-do-tieu-bieu-nam-2024.-anh-tung-nguyen.jpeg
Các doanh nhân được tôn vinh tại lễ trao Giải thưởng Doanh nhân trẻ Thăng Long và tuyên dương doanh nhân trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Ảnh: Tùng Nguyễn

Lớn mạnh không ngừng

Hiện cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động. Riêng 9 tháng năm 2024, hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp khoảng 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 98% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu.

Một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò quan trọng, tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế. Các thương hiệu Viettel, VinGroup, Sungroup, FPT, THACO, Hòa Phát, Vinamilk… đã xác lập tầm vóc khu vực, góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia, triển khai dự án đầu tư ở nhiều nơi trên thế giới và thu về những kết quả khả quan.

Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận xét, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, có ý chí tự lực, tự cường. Đó cũng là thực tế đáng ghi nhận, như chất xúc tác để tăng sức hấp dẫn, mời gọi giới đầu tư quốc tế đến hợp tác, đầu tư ở Việt Nam. Song, cũng cần xác nhận quy mô doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé, với khoảng 98% là nhỏ và vừa, đồng thời đang bộc lộ những điểm yếu có tính cố hữu. Đó là tình trạng thiếu vốn, hạn chế về trình độ, kỹ năng quản lý, lạc hậu về công nghệ…

Đồng hành cùng phát triển

Gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, các cơ quan cùng doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện một số vấn đề, nhiệm vụ tiên phong. Đó là, tham gia thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực); tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…); chủ động góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm đủ năng lượng, cung cầu lao động đáp ứng yêu cầu phát triển).

z5924344217810_20ccc30b3a45b461e7edbafceeab9520.jpg
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) - một trong những thương hiệu Việt mang tầm quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng, quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh; Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm công bằng, an sinh xã hội; góp phần vào phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cần xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để kiến tạo, định vị vị thế kinh tế của quốc gia, với mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Về phía mình, các doanh nhân, doanh nghiệp cũng mong Chính phủ và các địa phương, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân kiến nghị, Chính phủ cần thúc đẩy các chủ trương, chính sách, dự án có tính "đòn bẩy" cho sự phát triển, tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp theo, như hai siêu dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…

Chính phủ và doanh nghiệp cùng đồng hành phát triển, mà ở đó Chính phủ kiến tạo cơ hội, môi trường đầu tư - kinh doanh; bằng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân giữ vai trò nòng cốt, quyết định sức mạnh kinh tế đất nước. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước thịnh vượng, lớn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024): Nâng cao vai trò doanh nghiệp, doanh nhân Việt: Vì mục tiêu ích nước, lợi nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.