Cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường thuận lợi là chìa khóa cho doanh nghiệp phát triển.
Thể chế tốt, thông thoáng có thể giúp doanh nghiệp sớm hình thành, tận dụng cơ hội kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực; đồng thời kiến tạo ra các cơ hội để doanh nghiệp phát triển. Một chính sách phù hợp, ổn định là chỗ dựa, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài, gặt hái thành quả, tạo việc làm cho người lao động và đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước…
Thực tế tại nước ta, khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, trong đó nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản. Trước tình hình này, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp, sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Như vậy có thể thấy, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là yêu cầu luôn đặt ra, không có điểm dừng, nhằm ngày càng hoàn chỉnh thể chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của nhiều tổ chức, hiện tình trạng chậm giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp vẫn còn, dẫn đến lãng phí thời gian và cơ hội duy trì, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều khó khăn “truyền thống” vẫn chưa được xử lý triệt để như chất lượng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất, kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi...
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng các nhóm giải pháp trọng tâm, tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
Một vấn đề cũng rất quan trọng là tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững…
Tại Công điện số 103/CĐ-TTg ngày 7-10-2024 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra 4 yêu cầu, đó là kiến tạo môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển; khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe góp ý, khuyến nghị của doanh nghiệp.
Các cấp, các ngành, địa phương thực hiện tốt sự chỉ đạo trên của người đứng đầu Chính phủ, đồng thời luôn sát cánh, đồng hành, hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp thì chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp sẽ có được môi trường thuận lợi. Từ đó, vững vàng "vươn mình" trong kỷ nguyên mới, đóng góp tích cực hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.