(HNMO) - Thời gian qua, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân bị tắc động mạch chi dưới hay thiếu máu chi dưới. Đây là nhóm bệnh phổ biến tại nước ta nhưng ít người để ý. Người bệnh chỉ đến bệnh viện khi ngón chân đã thối đen, thậm chí có không ít trường hợp phải cắt cụt chi.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) cho biết, tại đây từng tiếp nhận một bệnh nhân sống ở vùng nông thôn, con cái đi làm xa. Ban đầu, người này chỉ bị đau chân khi đi bộ. Sau đó, bệnh tiến triển dần khiến bệnh nhân không thể ngủ suốt 4 tháng vì quá đau. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám bệnh.
Đến khi vào viện thì ngón chân đã bị thối, bệnh nhân đã bị suy nhược nặng do đau và mất ngủ. Thời điểm nhập viện quá muộn, bác sĩ cũng không thể bảo tồn chân cho bệnh nhân, buộc phải cắt bỏ.
Tại Bệnh viện Việt - Đức, trung bình một năm có khoảng 300 ca bị tắc động mạch chi dưới phải mổ và can thiệp.
Một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, nguy cơ tắc động mạch chi dưới với người hút thuốc lá cao gấp 2-6 lần người bình thường; người tiểu đường thì nguy cơ gấp 2-4 lần. Bệnh thường gặp ở nam giới sau 70 tuổi và nữ giới sau 60 tuổi. Thế nhưng, hiện nay, căn bệnh này đang có sự trẻ hóa, người ở tuổi trung niên cũng đã bị bệnh.
Các bác sĩ lưu ý, ngoài tuổi tác, bệnh nền là yếu tố ảnh hưởng rõ rệt tới nguy cơ bị bệnh, đặc biệt là người bị tiểu đường, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm.
Nhằm tư vấn cho người dân biết cách phát hiện sớm và điều trị bệnh động mạch chi dưới mạn tính, vào ngày 30-7 tới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức sẽ tổ chức chương trình khám, tư vấn miễn phí bệnh lý này.
Trong chương trình, người dân sẽ được siêu âm doppler mạch máu chi dưới miễn phí để chẩn đoán bệnh. Để được khám và tư vấn miễn phí, người dân có thể đăng ký trực tiếp qua tổng đài 19001902.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không được chủ quan, người từ độ tuổi trung niên nếu có tăng mỡ máu, hút thuốc lá nên tầm soát tắc động mạch chi dưới, có thể qua siêu âm doppler, đo huyết áp ở tay và cổ chân để chẩn đoán sớm. Việc kiểm tra sớm nhằm kiểm soát các yếu tố làm tăng tiến triển của bệnh, giảm thiểu biến chứng do tắc động mạch, giảm thiểu tàn phế cho người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.