Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác tối đa lợi thế

Thế Văn| 14/01/2022 06:19

(HNM) - Làng nghề thủ công, làng nghề truyền thống có mặt khắp nơi trên dải đất hình chữ S và là một phần không thể tách rời trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Hà Nội là đất “trăm nghề” với nhiều làng nghề nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng (Gia Lâm), Lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức)…

Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, làng nghề Việt Nam nói chung, làng nghề Hà Nội nói riêng đang lấy lại vị thế vốn có và mở ra hướng phát triển mới. Hoàn toàn có thể nói rằng: Khai thác lợi thế làng nghề để phát triển kinh tế nông thôn, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới là một đòi hỏi từ thực tế.

Trước hết, làng nghề có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam. Làng nghề không chỉ mang lại việc làm, thu nhập cho người dân mà còn gìn giữ những giá trị văn hóa, nhân văn truyền thống của cộng đồng làng xã, cộng đồng nghề… Mặt khác, trong tiến trình phát triển, làng nghề đang tạo nên những không gian đô thị, những loại hình kinh tế mới cho Thủ đô hôm nay cũng như trong tương lai.  

Những năm gần đây, làng nghề Hà Nội đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, doanh thu từ 318 làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố đạt tới hơn 20.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận: Ngoài những thách thức từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19, làng nghề trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng có không ít vấn đề nội tại như: Sản xuất quy mô còn nhỏ, mẫu mã chưa đa dạng, thiếu sức cạnh tranh; việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị làng nghề chưa được quan tâm đúng mức; thiếu nguồn vốn đầu tư ứng dụng công nghệ, kiểm soát ô nhiễm môi trường; việc truyền nghề, nhân cấy nghề còn bất cập… 

Để phát huy các lợi thế của đất “trăm nghề” trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao cuộc sống người dân, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với một tư duy mới nhằm khai thác tối đa lợi thế làng nghề.

Bên cạnh việc tăng cường các giải pháp quản lý đối với lĩnh vực làng nghề (định hướng, quy hoạch…), Hà Nội và các địa phương cần đa dạng hóa hình thức huy động nguồn vốn, thúc đẩy hoạt động làng nghề như góp vốn, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp; nghiên cứu giảm thủ tục cho vay vốn, triển khai các hình thức cho vay tín chấp; tăng cường hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ sạch, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường… cũng như hỗ trợ việc gia tăng quy mô sản xuất, phát triển các khu công nghiệp làng nghề.

Cùng với đó là thúc đẩy các giải pháp bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất, thích ứng với nhu cầu phát triển mang tính đặc thù của mỗi làng nghề; đồng thời tăng cường nghiên cứu thị trường, hỗ trợ sản phẩm làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm làng nghề tại thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng phát triển chuỗi giá trị làng nghề; kết hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề với du lịch, tạo động lực mới phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Và một giải pháp mang tính căn cốt là khuyến khích các nghệ nhân tham gia thiết kế mẫu mã để tạo ra các sản phẩm vừa chứa đựng những nét độc đáo của mỗi làng nghề, vừa đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như nâng cao khả năng quản trị, kinh doanh các sản phẩm làng nghề.

Khi làng nghề được khai thác tối đa lợi thế, xây dựng nông thôn mới sẽ có thêm nguồn lực và kinh tế nông thôn sẽ phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tối đa lợi thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.