(HNM) - Hôm nay, hơn 20 triệu học sinh cả nước sẽ bước vào năm học mới. Điều khác biệt so với nhiều năm trước đây là việc tất cả các trường sẽ tổ chức lễ khai giảng vào cùng một thời điểm, cùng hát Quốc ca, cùng đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng các trường phát biểu ngắn gọn sau đó là ngày hội của thầy cô và học trò...
Sự thay đổi này tuy nhỏ nhưng là sự đột phá lớn về tư duy. Thực tế nhiều năm nay, dù ngày 5-9 là ngày hội đến trường, nhưng ngày giờ khai giảng có thể là muộn hơn, có thể là sớm hơn tùy điều kiện riêng mỗi trường. Và có một thực tế là bất chấp thời tiết nắng hay mưa thì học sinh vẫn xếp hàng... đợi đại biểu. Đã xảy ra trường hợp, học sinh phải phơi nắng hàng tiếng đồng hồ chỉ để chờ... lãnh đạo đến dự.
Hẳn là nhiều bậc phụ huynh đã trải qua những ngày trên ghế nhà trường đều mang trong mình một ký ức về những lễ khai giảng, có thể đó là thời chiến tranh khốc liệt, đến trường với chiếc mũ rơm, vừa khai giảng vừa lo tránh bom đạn; có thể đó cũng là buổi khai trường của thời đại công nghệ thông tin với những tiết mục văn nghệ sôi động. Điều đó, dường như đã trở thành những di sản của tâm hồn, những ký ức trong sổ lưu bút. Thật khó quên cảm giác háo hức sau 3 tháng hè được gặp lại bè bạn, cảm giác chờ đợi của đêm trước ngày tựu trường, chẳng ai ngủ được. Mỗi học trò như chờ đợi từng tiếng trống, từng tiếng nói, ánh mắt cười của thầy cô, bạn bè. Đó như một ngày mở ra thế giới mới, đánh dấu ngày lên lớp, bỡ ngỡ mới mẻ, dù vẫn cổng trường, góc sân ấy, vẫn thầy cô ấy và bạn bè xưa cũ, nhưng lại mới lạ, háo hức và kỳ diệu như thần thoại...
Gần đây, lễ khai giảng đã khác xưa rất nhiều. Không ít người lại nghĩ về một thời xưa cũ, là những ngày đầu đến trường đơn giản nhưng vẫn đầy đủ và thiêng liêng. Đó không chỉ là mơ ước của mỗi học sinh mà còn là của các bậc phụ huynh. Lễ khai giảng làm sao chứa đựng đầy đủ những cảm xúc, ý nghĩa, học sinh khởi động năm học mới bằng trái tim chứ không phải đếm ngày lên lớp.
Còn nhớ, năm ngoái dư luận đã xôn xao về lễ khai giảng của Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), với bài diễn văn cực kỳ ngắn gọn của thầy hiệu trưởng, không nhiều mỹ từ, không nhiều thông tin thành tích, không nhiều giáo huấn... nhưng mang tính giáo dục sâu sắc, gieo bao ý tưởng cho mỗi tâm hồn học trò.
Dù có đổi mới thế nào thì việc tổ chức lễ khai trường sao cho ý nghĩa vẫn thuộc về mỗi nhà trường. Phải xem khai giảng không chỉ là một thủ tục, mà nên coi đó như một lễ hội của học trò. Với một trò lên lớp 12 thì ý nghĩa của ngày khai giảng sẽ chẳng thể giống như của đứa bé bỡ ngỡ vào lớp 1. Vì thế, tổ chức sao cho ngày đầu tiên đến trường trở nên thiêng liêng và ý nghĩa là trách nhiệm cao cả của ngành Giáo dục!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.