Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc: Mấu chốt là cá thể hóa trách nhiệm

Quốc Bình| 15/05/2023 07:04

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg về “Chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương” nhằm khắc phục tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm. Bài học thực tiễn tại thành phố Hà Nội cho thấy, giải pháp mấu chốt để khắc phục tình trạng này là phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm.

Lãnh đạo UBND huyện Mê Linh trao đổi về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Công Thọ

Hiệu quả từ thực tiễn

Giải phóng mặt bằng vốn là nhiệm vụ khó khăn, giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, với đòi hỏi tiến độ gấp, diện tích lớn lại càng khó khăn hơn. Nhưng đến thời điểm này, chỉ sau gần một năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án, Hà Nội đã giải phóng mặt bằng được hơn 50% diện tích trên địa bàn và hơn 60% số ngôi mộ thuộc diện di dời.

 Đây là kết quả từ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của nhân dân; trong đó có vai trò rất lớn của việc thực hiện cá thể hóa trách nhiệm được triển khai từ thành phố xuống cơ sở.

Tại huyện Mê Linh - đơn vị đi đầu về công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thanh Liêm cho biết, huyện phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng cá nhân lãnh đạo gắn với thường xuyên giao nhiệm vụ. Hằng tháng, các đồng chí Thường trực, Thường vụ Huyện ủy phải luân phiên dự sinh hoạt chi bộ ở các thôn nơi có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc. Khi xảy ra vấn đề khúc mắc thì cá nhân các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện, của xã phải trực tiếp đối thoại với người dân. Huyện còn thành lập tổ tiếp công dân, phân công phụ trách từng xã để tiếp nhận và giải quyết đơn, thư của người dân. Nhờ đó, đến nay, huyện sắp về đích giải phóng mặt bằng dự án và chưa nhận được đơn, thư phản ánh nào liên quan. 

Tại các huyện: Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoài Đức, Thường Tín, Thanh Oai và quận Hà Đông, tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chuyển biến tích cực chủ yếu là nhờ phân công, phân cấp, giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị, cá nhân. Ông Lê Sỹ Điều (xã Song Phương, huyện Hoài Đức) nhìn nhận: “Cá nhân các đồng chí lãnh đạo huyện, xã đã thường xuyên tiếp xúc với dân để giải quyết ngay các vấn đề đặt ra trong công tác giải phóng mặt bằng”.

Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Nội còn là địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả này có được là nhờ thành phố thực hiện hiệu quả chủ trương cá thể hóa trách nhiệm. Trong đó, ở cấp thành phố, nổi bật là sự vào cuộc của từng đồng chí lãnh đạo chủ chốt gắn với địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật

Bên cạnh kết quả tích cực, lãnh đạo thành phố cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, cho thấy đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa việc cá thể hóa trách nhiệm. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, qua kiểm tra phát hiện có tình trạng cán bộ cơ sở chậm chuyển biến, không theo kịp tình hình, chưa có tác phong phục vụ; chưa thực sự mong muốn, khát khao đưa địa phương, quê hương mình phát triển đột phá, còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò người đứng đầu, gắn với cá thể hóa trách nhiệm. Lãnh đạo HĐND thành phố cho biết sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo. Trong khi đó, UBND thành phố vừa thành lập “Tổ công tác kiểm tra, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố giao”. Kết quả kiểm tra đợt đầu năm 2023, tổ công tác đã làm rõ tình trạng chậm thực hiện nhiệm vụ và yêu cầu giải trình, khắc phục đối với 7 sở, ngành và UBND 3 huyện.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong toàn hệ thống chính trị, nhấn mạnh việc phân công, giao nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, đi liền với thường xuyên kiểm tra, giám sát. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cấp, các ngành phải quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ.

Đây chính là nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở. Khi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương đều quan tâm, kiên quyết thực hiện cá thể hóa trách nhiệm, chắc chắn sức mạnh của hệ thống chính trị sẽ ngày càng được củng cố. Qua đó, Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục là đầu tàu phát triển trên các lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc: Mấu chốt là cá thể hóa trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.