(HNMO) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, sáng 28-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư, đạt được thành tựu to lớn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống của đồng bào sinh sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã được cải thiện rõ rệt, nhưng hiện nay, vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt; chính sách còn một số hạn chế bất cập.
Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đã được chỉ rõ trong các văn bản của Chính phủ; đồng thời là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện ở địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi là các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% trở lên, phân định theo trình độ phát triển, bao gồm địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn), địa bàn còn khó khăn (xã khu vực II), địa bàn bước đầu phát triển (xã khu vực I).
Chương trình gồm 10 dự án thành phần, đề ra 8 nhóm chỉ tiêu đến năm 2025, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hằng năm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020... Đến năm 2030 sẽ hoàn thành 6 nhóm chỉ tiêu, trong đó tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia như tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp thực hiện trên 100 chính sách dân tộc.
“Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nhất trí hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia đã đáp ứng yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội, mong được các vị đại biểu Quốc hội góp ý hoàn thiện, nâng cao chất lượng, bảo đảm tính khả thi của chương trình để thông qua tại kỳ họp này”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nói.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tối thiểu hơn 137.664 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương tối thiểu hơn 104.954 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2026-2030 dự kiến hơn 134.270 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.