Xã hội

Huyện Thạch Thất thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Phương Uyên 29/09/2024 - 08:03

Những năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc thiểu số, miền núi được huyện Thạch Thất thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm, tin tưởng và hăng hái tham gia xây dựng làng bản, gia đình văn hóa, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

thach-1.jpg
Người dân tộc Mường, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) tích cực giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa qua lời ca, điệu múa chiêng Mường. Ảnh: Ánh Dương

Phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

Chia sẻ về việc thực hiện các chính sách dân tộc thiểu số, miền núi ở địa phương, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Trung Nguyễn Thị Mến cho biết: Yên Trung có 4 thôn, tổng số 960 hộ với 4.088 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Mường chiếm 82%, dân tộc Kinh chiếm 18%. Các dân tộc luôn đoàn kết xây dựng quê hương. Nhiều năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở xã luôn được Đảng bộ, chính quyền xã chủ động, tích cực triển khai. Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng, được tiến hành một cách công khai, dân chủ, đúng quy định gắn với công tác kiểm tra, giám sát.

Các hộ nghèo ở xã Yên Trung được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất. Nhiều hộ đã tận dụng lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển các mô hình trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm... Tính đến hết năm 2023, Yên Trung chỉ còn 3 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm.

Bên cạnh đó, việc phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, phong tục tập quán của địa phương ở Yên Trung được thể hiện qua các hội thi, lễ hội cùng các trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, ném còn... Hiện nay, 100% số thôn trong xã đều có câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ bắn nỏ. Xã có 4/4 thôn đạt danh hiệu Thôn văn hóa, 5 cơ quan được công nhận Cơ quan văn hóa; hằng năm có hơn 95% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa...

Bà Nguyễn Thị Mến thông tin thêm: Với sự quan tâm của thành phố và huyện, nhiều công trình cơ sở hạ tầng trong xã đã được đầu tư xây dựng, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng được đổi mới.

Đóng góp tích cực trong việc đưa chính sách dân tộc thiểu số, miền núi vào cuộc sống, ông Đinh Như Môn, người có uy tín ở thôn 3 (xã Yên Bình) luôn động viên các con, cháu và đồng bào trong thôn tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp... Từ đó, thôn 3 từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, bỏ vườn tạp để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mít, bưởi, nhãn... Kết quả là mức sống, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Văn Tùng ghi nhận: Những người có uy tín của xã luôn tích cực vận động đồng bào tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và các cuộc vận động, như: “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, những người có uy tín của xã luôn tích cực tham gia giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Họ luôn lắng nghe và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để đề xuất chính quyền các cấp quan tâm giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

Còn tại địa bàn xã Tiến Xuân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng các tổ chức thành viên luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Phó Bí thư Đảng ủy xã Tiến Xuân Quách Hữu Nghiệp cho biết: Trong 5 năm (2019 - 2023), nhân dân trong xã đã tham gia hơn 12.000 ngày công, hiến hơn 6.000m2 đất, đóng góp hơn 20 tỷ đồng, ủng hộ bằng hiện vật khác trị giá hơn 2 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng, công trình an sinh xã hội.

Thành tựu từ thực hiện hiệu quả chính sách

Kết quả thực tế tại Thạch Thất có được là nhờ huyện thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 và Kế hoạch 253/KH-UBND ngày 11-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, giai đoạn 2019 - 2024, huyện Thạch Thất đã thực hiện 32 dự án trên địa bàn 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình với tổng mức đầu tư 628,31 tỷ đồng. Việc đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng về giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... Huyện triển khai thực hiện 10 công trình giao thông huyết mạch với hơn 25km đường; đầu tư 23,57km đường điện chiếu sáng trục chính trên địa bàn 3 xã miền núi; cải tạo, sửa chữa, xây mới 15 nhà văn hóa thôn, 82 phòng học, 6 khu nhà hiệu bộ, 3 nhà đa năng tại các trường học; xây dựng, cải tạo, mua sắm trang thiết bị cho 3 trạm y tế xã và triển khai xây dựng phòng khám đa khoa Yên Bình...

Bên cạnh đó, chính sách tín dụng liên quan tới việc vay vốn phát triển kinh tế, giảm nghèo cũng phát huy hiệu quả tích cực. Hằng năm, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với các chương trình tín dụng cho vay đang được triển khai trên địa bàn huyện, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 xã miền núi còn được thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Trong giai đoạn 2019 - 2024, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thạch Thất đã giải ngân cho 1.735 lượt khách hàng là người dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện với tổng số tiền 66,684 tỷ đồng, giúp các hộ đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện Thạch Thất nói chung và 3 xã miền núi nói riêng được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Sau khi hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2015 - 2016, các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung tiếp tục thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, xã Tiến Xuân có 8/19 tiêu chí đạt và 11/19 tiêu chí cơ bản đạt; xã Yên Trung có 8/19 tiêu chí đạt và 11/19 tiêu chí cơ bản đạt; xã Yên Bình có 10/19 tiêu chí đạt và 9/19 tiêu chí cơ bản đạt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: Thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi, đồng bằng và thành thị. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo các xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng dịch vụ, du lịch, công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao..., từng bước cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thạch Thất thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.