Để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, nhằm mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc, miền núi của thành phố, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đầu tư 1.276,5 tỷ đồng cho 202 công trình.
Ngoài ra, thành phố kêu gọi các quận nội thành hỗ trợ đầu tư 46 công trình nhà văn hóa thôn, với tổng kinh phí lên tới 92 tỷ đồng và 5 dự án nâng cấp điện, trị giá 101 tỷ đồng được đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng công ty Điện lực Hà Nội...
Thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 15-7-2016 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí dự kiến là 2.324 tỷ đồng (224 dự án), thành phố đã bố trí 1.255 tỷ đồng (89 dự án) đầu tư cho các dự án vùng dân tộc thiểu số (đạt 54% theo kế hoạch).
Căn cứ các nghị quyết, quyết định của Quốc hội và Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội, ngày 11-11-2021, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, với tổng mức vốn đầu tư dự kiến là 2.144,523 tỷ đồng. Đến nay, thành phố đã bố trí 1.106,302 tỷ đồng, trong đó 974,2 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 132,102 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu phấn đấu là mức sống và thu nhập của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngang bằng với nhân dân các xã vùng ngoại thành Hà Nội; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố; giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 60% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt trên 40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ.
Đến năm 2030, có 40% lao động người dân tộc thiểu số biết làm các ngành nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ. Đồng thời, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên; hơn 90% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo 4 nhóm đối tượng; 100% xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…
Có thể nói sau 15 năm, thành phố luôn vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc, đặc biệt là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố. Đồng thời xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị. Công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đã đạt được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.