(HNM) - Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý, cung ứng các dịch vụ công ích có nhiều chuyển biến, tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Công nhân Công ty Công viên cây xanh Hà Nội trồng, chăm sóc hoa.Ảnh: Hải Anh |
Triển khai nghiêm túc
Trên nguyên tắc, cấp nào làm tốt thì giao cấp đó thực hiện, ngày 19-9-2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 41/2016/ QĐ-UBND, quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Theo quy định mới, cấp huyện được giao quản lý toàn bộ hè đường trên địa bàn; thành phố quản lý toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng, cây xanh trên địa bàn 12 quận và thị trấn thuộc các huyện, phường thuộc thị xã Sơn Tây. Thành phố cũng quản lý, duy trì vệ sinh môi trường (VSMT) trên các đường cao tốc, còn lại giao cấp huyện quản lý, duy trì trong toàn bộ phạm vi địa giới hành chính. Thành phố thống nhất quản lý các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp rác thải, đất thải tập trung.
Ngay sau khi có Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã nhanh chóng thực hiện; tổ chức tiếp nhận, bàn giao các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ, công viên… theo phân cấp mới. Nhiều quận, huyện, thị xã đã chọn nhà thầu sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích như: duy trì VSMT, vận chuyển rác thải, cây xanh, thảm cỏ (trừ lĩnh vực cây xanh, cây bóng mát các thị trấn vì đã bàn giao Sở Xây dựng).
Đơn cử như huyện Mỹ Đức đã chọn nhà thầu là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ cao thực hiện duy trì VSMT, cây xanh, thảm cỏ. Hằng ngày, Phòng Quản lý đô thị phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn giám sát, ghi nhật ký, nghiệm thu khối lượng. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, đến ngày 11-4-2017, đã có 11/12 quận và 18/18 huyện, thị xã ký biên bản bàn giao khối lượng công viên, vườn hoa, thảm cỏ, cây xanh. Sau khi tiếp nhận, Sở Xây dựng đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh quản lý.
Sớm ban hành đơn giá cho dịch vụ cơ giới hóa
Qua đợt khảo sát của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội về cung ứng dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố, có thể thấy, các đơn vị đồng tình cao với chỉ đạo của UBND thành phố về việc tăng cường cơ giới hóa các dịch vụ, giảm lao động thủ công, nâng cao hiệu suất, giảm chi phí. Tuy vậy, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập. Cụ thể, thành phố chỉ đạo thực hiện cơ giới hóa, nhưng chưa ban hành quy trình, định mức, đơn giá cho các hạng mục bằng cơ giới nên hiện vẫn thanh toán theo đơn giá duy trì thủ công.
Theo Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long Nguyễn Mạnh Tiến, từ 1-3-2017, Công ty thực hiện các gói thầu duy trì VSMT tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín. Công ty đã triển khai cơ giới hóa công tác duy trì VSMT, nhưng do chưa có quy trình, định mức cơ giới, dẫn đến khó khăn, chậm thanh quyết toán. Đặc biệt, từ năm 2012, Công ty đã hoàn thành và đưa Nhà máy đốt rác Sơn Tây vào hoạt động với công suất xử lý 700 tấn rác/ngày (công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt). Năm 2016, thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt mới, Công ty tiếp tục đầu tư bổ sung và nâng cấp hệ thống thiết bị xử lý khí cho nhà máy, đáp ứng quy chuẩn từ ngày 1-4-2017, nhưng đến nay cũng chưa có cơ chế điều chỉnh giá phù hợp.
Tương tự, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng được giao đảm nhận duy trì VSMT tại 11 quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp hiện vẫn thanh toán theo đơn giá duy trì thủ công như trước đây.
Không chỉ lĩnh vực VSMT, công tác chăm sóc cây xanh cũng nảy sinh bất cập. Theo phân cấp, toàn bộ cây xanh ở các quận và thị trấn ở các huyện, các phường thị xã Sơn Tây giao Sở Xây dựng quản lý. Nhưng qua khảo sát thực tế, việc tiếp nhận bàn giao giữa các quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng mới bằng văn bản. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều, huyện đã bàn giao danh mục cây xanh ở thị trấn Đại Nghĩa về Sở Xây dựng, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào về tiếp nhận duy tu, duy trì, gây khó khăn cho huyện, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến.
Trước những bất cập này, Ban Đô thị, HĐND thành phố đề nghị các sở, ngành chức năng sớm tham mưu cho UBND thành phố ban hành định mức, đơn giá phù hợp với loại hình cơ giới hóa trong duy trì VSMT; tiếp nhận duy trì cây xanh thực tế nhằm thực hiện tốt quy định về phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.