(HNM) - Trong 39 trường hợp đặc biệt (không phải thi tuyển) tham gia kỳ tuyển dụng công chức TP Hà Nội năm 2014 phải trải qua sát hạch đã có 10 thí sinh bị trượt.
Đây là những người đã tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học (ĐH) trong nước hoặc tốt nghiệp ĐH, sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Có hay không việc Hà Nội để lãng phí nguồn nhân lực trong khi đang thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài?
Nội dung cuộc trao đổi của phóng viên Báo Hànộimới với Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiểm tra, sát hạch của thành phố - phần nào làm rõ vấn đề này.
- Trong các kỳ thi tuyển công chức TP Hà Nội, có một số trường hợp đặc biệt, không phải thi tuyển mà chỉ qua sát hạch. Xin bà cho biết rõ hơn về ưu đãi này?
- Tổng chỉ tiêu tuyển dụng công chức năm 2014 của TP Hà Nội là 457 chỉ tiêu, trong đó có 2 hình thức: Thi tuyển bình thường và xét tuyển những trường hợp đặc biệt. Sở Nội vụ đã tiếp nhận được 3.850 hồ sơ đăng ký dự thi, trong đó có 41 trường hợp đăng ký vào diện xét tuyển đặc biệt, không qua thi tuyển. Đối tượng được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển gồm: Thủ khoa tốt nghiệp ĐH ở trong nước; tốt nghiệp ĐH, sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài. Thực hiện Luật Cán bộ, công chức và Thông tư 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, TP Hà Nội đã thành lập Hội đồng Kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển (gọi tắt là Hội đồng). Đơn vị nào có người đăng ký dự sát hạch có đại diện tham gia Hội đồng.
- Nội dung sát hạch gồm những gì? Liệu có "quá sức" đối với các thí sinh hay không?
- Theo quy định của Thông tư 13 thì nội dung sát hạch là về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận. Từ quy định như vậy, trước khi sát hạch khoảng 10 ngày, Hội đồng đã cho thí sinh tiếp cận những quy định của Luật Cán bộ, công chức cũng như các quy định về quản lý nhà nước ở những ngành, lĩnh vực mà thí sinh đăng ký xét tuyển. Về hình thức sát hạch, Hội đồng đề nghị thí sinh viết một bài kiểm tra kiến thức chung trong 60 phút. Sau đó, các thành viên của Hội đồng phỏng vấn trực tiếp thí sinh nhằm kiểm tra khả năng diễn đạt, trình bày. Dù có 41 thí sinh đăng ký vào diện xét tuyển đặc biệt không qua thi tuyển nhưng chỉ 39 thí sinh đến sát hạch. Kết quả là 10 trường hợp không đỗ (gồm: 6 thủ khoa các trường ĐH trong nước và 4 trường hợp tốt nghiệp ĐH, sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài).
- Căn cứ theo các quy định thì thành phố đã thực hiện rất nghiêm túc. Tuy nhiên, việc cả thủ khoa trong nước và những trường hợp tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài vẫn bị loại, liệu có "đánh mất" nhân tài không, thưa bà?
- Trước hết phải khẳng định, các cơ quan nhà nước cần phải thực hiện theo đúng quy định của luật. Còn nói là thất thoát hoặc "đánh mất" nhân tài thì chỉ mang tính chất tương đối. Bởi thực tế, có trường hợp thí sinh muốn thử cho biết nên không ôn tập vẫn đi sát hạch. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp có thành tích tốt trong học tập nhưng qua sát hạch lại không đáp ứng được yêu cầu. Do đó, để khẳng định là có hay không thất thoát nhân tài là rất khó.
- Đã 4 năm, thành phố Hà Nội thực hiện sát hạch đối với các trường hợp đặc biệt không qua thi tuyển? Vậy, kết quả thế nào và có phản hồi hay khiếu kiện gì không?
- Trong 4 năm (2011, 2012, 2013, 2014) tổ chức sát hạch, Hà Nội đã tiếp nhận được 61 thủ khoa. Năm nào cũng có trường hợp trượt sát hạch nhưng Hội đồng không nhận được bất cứ khiếu nại nào của thí sinh. Hội đồng đã thực hiện đúng quy định và không có sơ suất.
- Là thành viên thường trực Hội đồng Kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển của thành phố nhiều năm, bà có điều gì muốn nói với các thí sinh thuộc diện đặc biệt này?
- Chính sách của thành phố rất rộng cửa với những người được đào tạo có chất lượng cao. Phải khẳng định thành tích học tập của các bạn thủ khoa là tốt. Tuy nhiên, khi đi làm ở cơ quan quản lý nhà nước sẽ đòi hỏi kiến thức chuyên ngành, các luật và nhiều kỹ năng khác. Vì vậy, thí sinh cần nghiên cứu kỹ để đáp ứng được yêu cầu về trình độ, năng lực, nghiệp vụ của vị trí việc làm cần tuyển.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.