Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối và lan tỏa

Gia Khánh| 25/11/2021 06:06

(HNM) - Công nghiệp hỗ trợ chuyên cung ứng các sản phẩm, linh kiện là đầu vào cho công nghiệp chế biến, chế tạo. Do đó, có thể coi đây là “mắt xích” quan trọng kết nối với chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo ra việc làm, giá trị kinh tế lớn, đồng thời tiếp thu và lan tỏa công nghệ, phương pháp quản trị tiên tiến.

Theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội, đến cuối năm 2021, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn đang tham gia cung ứng linh kiện cho chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Được xác định có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, nhìn chung doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, do chủ yếu có quy mô nhỏ, thiếu năng lực tài chính nên khó đáp ứng được tiêu chuẩn cao của chuỗi sản xuất toàn cầu. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển nên nhiều lĩnh vực sản xuất là thế mạnh của Việt Nam, như: Dệt may, da giày… chưa tự chủ được đầu vào. Điểm yếu này càng bộc lộ rõ khi dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp đứt gãy sản xuất, lưu thông, gia tăng chi phí sản xuất.

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2021 này, giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ số phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11%... Định hướng trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ hình thành mạng lưới công nghiệp hỗ trợ với nhiều lớp cung ứng, kết nối với các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trên cả nước.

Để thực hiện điều đó, trước hết, các cấp, ngành của thành phố cần xây dựng kế hoạch đẩy mạnh liên kết, cung ứng trong Vùng Thủ đô. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất với chi phí cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có những đột phá, phù hợp với đặc thù doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, như tư vấn, đào tạo về quản trị, nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới; áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, ngành của thành phố đã luôn đồng hành với doanh nghiệp, triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, lưu thông hàng hóa… Song, một trong những giải pháp quan trọng là việc nhất quán chính sách thích ứng linh hoạt, an toàn, ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng để doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất.

Về phía các doanh nghiệp, chủ động giải pháp phòng, chống dịch bảo vệ sản xuất là nhiệm vụ trước mắt; xây dựng kế hoạch đầu tư đổi mới công nghệ, quản trị, nghiên cứu sản phẩm mới là nhiệm vụ lâu dài. Thực tế, dịch Covid-19 gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cũng mang đến cơ hội khi chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu dịch chuyển, mà Việt Nam là một trong những điểm đến. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tăng cường hỗ trợ nhau cùng sản xuất, cùng đa dạng sản phẩm, cùng hình thành chuỗi sản xuất trong nước chuyên sâu gắn kết với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo ra sức mạnh, phát huy vai trò kết nối và lan tỏa của công nghiệp hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối và lan tỏa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.