(HNM) - Sau một năm triển khai, Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ đã bắt đầu “nảy mầm”, với việc cho ra đời những ứng dụng đầu tiên, đó là bản đồ số dành cho người Việt - Vmap và Hệ thống kết nối thông tin nhân đạo - iNhandao. Những nền tảng này đã được cộng đồng đón nhận, bắt đầu ứng dụng trong thực tiễn, dần kết nối tri thức cộng đồng.
Thu hút sự tham gia của cộng đồng
Đánh giá về những kết quả bước đầu của Đề án Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, đơn vị chủ trì cho biết: Mang tính kết nối tri thức dựa trên những công nghệ mới nhất như trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (bigdata), đến nay, Hệ tri thức Việt số hóa đã hình thành hệ thống nền tảng với các chức năng và công cụ cho phép thu thập, xử lý, chia sẻ các dữ liệu dùng chung trong một số lĩnh vực. Đó là dữ liệu bản đồ số Việt Nam; kết nối nhân đạo điện tử, dữ liệu tiếng nói bằng tiếng Việt; ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm và bài giảng trực tuyến; dữ liệu y tế, văn hóa… Đề án thực sự tạo được cơ chế phối hợp tham gia giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và đông đảo thanh niên, sinh viên, người dân.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam là đơn vị được giao phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng và triển khai Dự án Bản đồ số Việt Nam - Vmap. Để thu thập dữ liệu bản đồ, trong hơn 3 tháng, hơn 120.000 nhân viên bưu điện và đoàn viên, thanh niên trên cả nước đã tích cực tới từng khu phố, thôn, bản để thu thập thông tin. Các dữ liệu không chỉ gồm địa chỉ chi tiết của địa điểm như số nhà, đường phố, hẻm, xóm…, mà còn có ghi chú, phân loại đối tượng (nhà hàng, nhà dân, ngân hàng, chợ…). Sau khi xác nhận thông tin chuẩn, dữ liệu sẽ được tích hợp và đưa lên bản đồ số tại địa chỉ https://map.itrithuc.vn và https://vmap.vn.
Kế thừa các địa chỉ số từ bản đồ Vmap, Dự án Hệ thống kết nối thông tin nhân đạo iNhandao (nhandao.itrithuc.vn) do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Tập đoàn FPT phát triển, tạo ra kênh tiếp cận mở, kết nối người cần cứu trợ với những nhà thiện nguyện một cách chủ động, tức thời. Chỉ trong 6 tháng, hệ thống đã cập nhật được một số lượng lớn các địa chỉ cần sự giúp đỡ do cộng đồng người dùng cả nước đề xuất như người già neo đơn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai…
Với iNhandao, các hoạt động nhân đạo, thiện nguyện thay đổi lớn về cách làm, mức độ ảnh hưởng tới xã hội. Ngoài việc tìm được đúng đối tượng và triển khai thuận tiện, nhà tài trợ còn có thể quản lý các hoạt động của mình trên hệ thống một cách dễ dàng, minh bạch.
Dần đi vào cuộc sống
Hiện phiên bản thử nghiệm của Vmap và iNhandao đã tiếp cận được không ít người dùng trong xã hội. Đặc biệt, Vmap được kỳ vọng ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý và kinh doanh.
Tỉnh Phú Yên là một trong các địa phương tham gia Dự án Vmap từ những ngày đầu tiên. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, bên cạnh việc cập nhật dữ liệu cho bản đồ số Vmap, Phú Yên đã tổ chức nhiều nội dung để người dân góp ý về các vấn đề liên quan đến môi trường. Chẳng hạn, người dân có thể chụp ảnh các điểm ô nhiễm môi trường, cập nhật lên hệ thống, ngay sau đó chính quyền sẽ cho người tới điểm ô nhiễm để xử lý.
Đối với iNhandao, ông Bùi Văn Huấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ chia sẻ, dù thông tin các địa chỉ trong iNhandao chưa nhiều, còn đơn giản, nhưng rất quan trọng, vì đó là địa chỉ ở các vùng cực kỳ khó khăn, nhất là vùng núi cao mà trước đây chưa được nhiều người biết tới. Hiện tại, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ đã có dữ liệu của hơn 1.500 địa chỉ cần hỗ trợ và đã cập nhật gần 600 địa chỉ trên iNhandao, đóng góp vào 17.000 địa chỉ được khảo sát, thu thập của cả nước.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) hy vọng, việc ra đời một bản đồ trực tuyến của Việt Nam như Vmap sẽ đem đến nhiều lợi ích cho cộng đồng kinh doanh trực tuyến nói riêng và thương mại điện tử Việt Nam nói chung. Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, cộng đồng kinh doanh trực tuyến vừa là đơn vị khai thác Vmap, vừa có thể đóng góp vào dữ liệu bản đồ. Trước mắt, VECOM sẽ phổ biến sản phẩm này tới các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, chuyển phát và logistics.
Còn ông Trần Hải Linh, Giám đốc Công nghệ của Hệ thống Thương mại điện tử Sendo cho rằng, Vmap với những địa chỉ được cập nhật chi tiết sẽ rất hữu ích cho các đơn vị kinh doanh trực tuyến. Ông Trần Hải Linh hy vọng, Vmap sẽ đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu trong 5 năm tới có thêm 10 triệu người mua hàng và 100.000 doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến của thương mại điện tử Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng lưu ý tới tính cạnh tranh, thu hút người dùng của các ứng dụng và coi đó là yếu tố sống còn. Ông Nguyễn Thanh Hưng cho biết, bản đồ, định vị vị trí là một nhu cầu kinh doanh mà nhiều bên sẵn sàng cung cấp. Khi chưa có Vmap, các doanh nghiệp thương mại điện tử vẫn kinh doanh dựa trên hệ thống định vị khác, rất tốt và dùng miễn phí. Do đó, để cạnh tranh với nhiều sản phẩm tốt xuyên biên giới như vậy, nền tảng này phải được tối ưu cho người dùng di động, vì 80% các giao dịch thương mại điện tử hiện nay thông qua di động.
Trong khi đó, ông Trần Hải Linh cho rằng, để thành công, hệ thống Vmap và iNhandao không chỉ tích hợp đầy đủ thông tin, mà còn phải hiểu biết thói quen, hành vi sử dụng của người Việt, nhằm cung cấp thông tin hiệu quả nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.