Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn: Tìm tiếng nói chung

Ngọc Quỳnh| 13/08/2017 06:56

(HNM) - Thời gian qua, các địa phương đã tích cực

Chế biến sản phẩm tại HTX Rau, quả sạch thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Thái Hiền


Tùy tiện, tính pháp lý thấp

Bà Nguyễn Thị Hiền ở xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) cho biết: Với sản lượng rau an toàn đạt hàng chục tấn mỗi ngày, hiện trên địa bàn xã đã có một số công ty ký kết hợp đồng với hợp tác xã tiêu thụ khoảng 20% số lượng rau an toàn cho người dân. Tuy nhiên, có thời điểm giá rau trên thị trường rẻ, doanh nghiệp tiêu thụ không hết số lượng như đã ký kết ban đầu nên người dân phải mang ra chợ bán như rau thường.

Chung cảnh ngộ, ông Đào Xuân Thủy (huyện Ứng Hòa) cho biết: Quy mô trang trại của gia đình có thể nuôi 5.000 lợn theo mô hình an toàn sinh học, nhưng hiện chỉ dám nuôi 1.000 con vì “đầu ra” không ổn định. Trang trại đã ký hợp đồng với một số đối tác, song do việc tiêu thụ hạn chế nên doanh nghiệp không thu mua đủ số lượng như đã cam kết ban đầu. Để tránh thua lỗ, trang trại phải tìm mọi cách bán ra thị trường với giá như lợn nuôi thông thường…

Trong khi nông dân “kêu” doanh nghiệp không thực hiện đúng ký cam kết thì ngược lại doanh nghiệp cho rằng, sản phẩm của nông dân không đồng đều. Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup): Hiện VinEco đã ký cam kết với 1.000 hợp tác xã và nông dân để cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng, nhưng khi kiểm tra vẫn phát hiện 30-40% số mẫu tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm.

Còn ông Trần Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại VietRAP, bức xúc: Công ty đang cung cấp ra thị trường 2 dòng sản phẩm gồm nông sản an toàn và dược liệu chăm sóc sức khỏe có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được ký kết từ các tỉnh: Sơn La, Hà Giang… Tuy nhiên, một số nông dân chưa có thói quen sản xuất theo hợp đồng, không tuân thủ quy trình sản xuất hàng hóa, chất lượng chưa bảo đảm và vẫn còn hiện tượng bán ra ngoài khi giá lên cao nên không đủ số lượng cung cấp cho đối tác, dẫn tới hợp đồng cam kết bị phá vỡ…

Đánh giá về thực trạng này, ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện việc ký cam kết cung cấp nông sản an toàn giữa doanh nghiệp và nông dân còn thiếu bền vững, doanh nghiệp chưa thực sự trở thành “bà đỡ” cho nông dân trong khâu tiêu thụ. Mặt khác, nông dân vẫn còn tập quán bán sản phẩm qua tư thương, nội dung hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân chưa ổn định, không hình thành hợp đồng dài hạn mà chủ yếu là thỏa thuận “miệng” nên có sự tùy tiện khi thực hiện, tính pháp lý thấp...

Cần chế tài đủ mạnh

Khách mua hàng tại điểm trưng bày, cung ứng thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Bá Hoạt


Theo Bộ NN&PTNT, đến nay cả nước có 45 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình chuỗi hoàn chỉnh với tổng số gần 400 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Việc ký cam kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ nông sản an toàn sẽ nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp cho thị trường nhiều mặt hàng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp có hiệu quả, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN& PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng: Các tỉnh, thành phố nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khi có hợp đồng liên kết với nông dân tiêu thụ nông sản về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng… Các cơ quan quản lý nhà nước cần làm “cầu nối” giúp doanh nghiệp và người dân ký cam kết cung cấp nông sản an toàn. Tuy nhiên, hợp đồng phải quy định rõ ràng về giá thu mua, thời điểm giao hàng, cơ chế thanh toán giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, hộ sản xuất, trách nhiệm của từng bên. Trường hợp bất khả kháng thì có sự hỗ trợ nhau. Điều cần thiết là cần có chế tài đủ mạnh để xử lý khi vi phạm cam kết…

Xác định xu thế liên kết sản xuất - tiêu thụ là vấn đề quan trọng, cùng với việc phát triển chuỗi liên kết ở các địa phương, hiện Bộ NN&PTNT và 15 doanh nghiệp đã ký cam kết cung cấp nông sản an toàn cho người dân với giá cạnh tranh. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, các tỉnh, thành phố cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh giữa hai bên; tránh tình trạng một số doanh nghiệp chỉ tham gia thu mua nông sản cho người dân, hợp tác xã… với mục đích đủ điều kiện được cấp giấy phép tham gia vào chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn nhằm hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp thông qua việc thu mua nông sản để bán vật tư nông nghiệp, dịch vụ cho nông dân, nhằm “lợi cả đôi đường”...

Bởi vậy, để chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ phát huy hiệu quả thực sự, theo ông Vũ Văn Tám, trước hết, các bên tham gia cần thực hiện nghiêm túc, đúng đắn bản cam kết đã ký. Mặt khác, ngoài chính sách ưu đãi của Nhà nước, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, giống, kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch, đặc biệt là khâu thu mua sản phẩm, xây dựng thương hiệu để nâng giá trị nông sản, qua đó, giúp nông dân yên tâm sản xuất theo hướng ổn định, hiệu quả…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối tiêu thụ nông sản an toàn: Tìm tiếng nói chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.