(HNM) - Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao hơn các tháng bình thường từ 10% đến 20%, trong khi các sản phẩm nông sản thực phẩm của Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Để hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý, ngành Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh kết nối cung cầu với các địa phương bạn, chủ động khai thác hàng hóa đưa về Hà Nội tiêu thụ trong dịp này.
Phong phú đặc sản vùng miền
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân bắt đầu sôi động. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, tại các siêu thị như Hapro, Big C, Co.opmart, VinMart, Aeon…, hay các sạp hàng ngoài chợ; điều dễ nhận thấy là hàng hóa Tết đã tràn ngập trên các quầy, kệ. Không khí mua sắm khá tấp nập, người mua hàng ngày một đông.
Các doanh nghiệp đều đã chuẩn bị nguồn hàng nông sản thực phẩm phong phú, chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết: “Hệ thống siêu thị Hapro đã đưa ra thị trường các sản phẩm đặc sản vùng, miền như bún khô, mộc nhĩ, nấm hương của Sơn La; thịt trâu, bò gác bếp của Hà Giang... Nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, Hapro liên kết với các doanh nghiệp chủ lực của tỉnh Hà Giang, Sơn La thu mua với những điều kiện chặt chẽ về an toàn thực phẩm”.
Trong khi đó, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long Khúc Tiến Hà cho hay, Big C đã đưa nhiều loại sản phẩm và đặc sản địa phương như trái cây Nam Bộ; các loại nước mắm Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…; cốm làng Vòng; chả, giò Ước Lễ (Hà Nội); hành, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi); chè Tân Cương (Thái Nguyên); cam Cao Phong (Hòa Bình); cam Vinh (Nghệ An);… cùng hàng trăm mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Còn theo Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung, để phục vụ Tết Canh Tý 2020, tại hệ thống siêu thị Co.opmart sẽ hội tụ đặc sản 3 miền Bắc - Trung - Nam. Đặc biệt, cá trắm đen kho kiểu truyền thống theo công thức làng Vũ Đại sẽ xuất hiện trên kệ của hệ thống siêu thị ở dạng cấp đông. Đây là một trong những sản phẩm thuộc nhóm hàng nhãn riêng mà siêu thị đưa ra dịp Tết năm nay.
Đang chọn mua sản phẩm thịt trâu gác bếp tại siêu thị VinMart (đường Hoàng Đạo Thúy), bà Phạm Như Hằng (trú tại ngõ 25 Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi đi du lịch ở các tỉnh, thành phố tôi thường tranh thủ mua những đặc sản về cho gia đình. Giờ đây, tôi chẳng cần vất vả nữa vì ở Hà Nội đã có đủ các mặt hàng đặc sản của các địa phương khác rồi”.
Chia sẻ của bà Phạm Như Hằng cũng là ý kiến của nhiều người tiêu dùng khi được lựa chọn sản phẩm đặc sản vùng, miền ngay tại các hệ thống phân phối, bán lẻ của Hà Nội, mà không phải đi xa như trước đây. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, kết nối cung cầu luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm trong các cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố bạn. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã tăng cường hợp tác, đưa các sản phẩm vùng, miền về phục vụ người dân Thủ đô.
Đẩy mạnh liên kết
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, nhiều chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố được triển khai không chỉ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Thủ đô, mà còn giúp hạn chế tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý. Riêng mặt hàng thịt lợn, Hà Nội đã liên kết với các tỉnh cung ứng cho thành phố 8.920 tấn, qua đó cơ bản đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán.
Về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải có đầy đủ giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Công Thương các tỉnh, thành phố xác nhận; giấy tờ xác nhận là đặc sản của địa phương; Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, sản phẩm phải được đóng gói kín, hoặc đựng trong lọ, hộp có nắp đậy để tránh gây mất vệ sinh thực phẩm. Sản phẩm đóng gói phải ghi rõ định lượng, định tính...
Ngoài ra, Sở Công Thương Hà Nội đã đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm... thường xuyên kiểm tra nguồn gốc, chất lượng, đặc biệt là công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa trưng bày, buôn bán tại các hội chợ Xuân, cũng như các siêu thị, chợ trên địa bàn. Nếu phát hiện ra vi phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý theo đúng quy định.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Nguyễn Thị Mai Anh, để bảo đảm chất lượng nguồn hàng, Trung tâm còn phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố nâng cao giá trị hàng hóa, xây dựng quảng bá thương hiệu, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, xây dựng tem điện tử thông minh - QR code cho 250 dòng sản phẩm chuyển về Hà Nội tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và hệ thống phân phối tại nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Big C thuộc Tập đoàn Central Group (Thái Lan), chợ đầu mối Rungis (Pháp)...
Nỗ lực của các cơ quan chức năng trong đẩy mạnh kết nối cung cầu và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, giữ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán của Thủ đô được ổn định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.