(HNM) - Đến thời điểm này, tỷ lệ hộ nghèo của TP Hà Nội chỉ còn 1,16%, trong đó ở khu vực nông thôn là 1,81%, đưa thành phố về đích sớm hai năm so với kế hoạch xóa hộ nghèo giai đoạn 2016-2020.
Có thể thấy, việc nâng cao đời sống người dân ở vùng ngoại thành không chỉ thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn mà còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong quyết tâm tạo công bằng xã hội. Trên thực tế, để giúp các hộ nghèo ở ngoại thành có điều kiện sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, những năm qua TP Hà Nội đã thực thi nhiều chính sách, chương trình thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm đồng bộ, các huyện, thị xã đã triển khai những giải pháp, cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình địa phương, để giúp người dân từng bước giảm nghèo và ổn định cuộc sống.
Tuy vậy, trong công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững của thành phố ở một số nơi vẫn thực hiện chưa quyết liệt, đồng bộ. Đặc biệt, với tốc độ đô thị hóa của TP Hà Nội đang diễn ra rất nhanh như hiện nay, công tác đào tạo nghề cho nông dân còn nhiều hạn chế, nhất là với những hộ bị thu hồi đất để phục vụ các dự án. Mặt khác, một bộ phận cán bộ và người dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước nên hạn chế phát huy nội lực và nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Để tiếp tục nâng cao đời sống người dân ở ngoại thành trong thời gian tới, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với chiến lược bài bản, cụ thể. Hiện TP Hà Nội đã đặt mục tiêu phấn đấu kết thúc năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 1%, phấn đấu đến cuối năm 2020 không còn hộ nghèo. Mục tiêu này có được hiện thực hóa, công cuộc thoát nghèo có nhanh, bền vững hay không phụ thuộc vào cả ngoại lực và nội lực. Ngoại lực là chủ trương, chính sách đúng, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương, cùng sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội. Nội lực là nỗ lực tự thân của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi địa phương.
Trước hết, để các thôn, xã thoát ra khỏi khó khăn cần có những bước đột phá từ hỗ trợ chính sách, chương trình, dự án đồng bộ cũng như sự vào cuộc của thành phố, các sở, ban, ngành nhằm tạo ra "đòn bẩy" cho những đổi thay trong cuộc sống của người dân. Đồng thời, chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã - nơi gần dân nhất, cần nắm rõ các nhu cầu của người dân, chủ động tìm các hướng, các nguồn hỗ trợ, các giải pháp khả thi, các cơ hội cho người dân thoát nghèo. Ngoài ra, cần thôi thúc, tạo động lực thoát nghèo của mỗi xã, thôn, xóm và trong mỗi người dân.
Về phía người dân, nhất là các hộ ở vùng khó khăn, trước tiên họ cần được hỗ trợ kiến thức, trang bị “cần câu” để tự biết “câu cá”. Hơn thế nữa, các hộ nghèo cần phải thắp lên ý chí và khát vọng vươn lên, không cam chịu, không chấp nhận phải sống trong nghèo nàn, lạc hậu; nỗ lực học tập để thay đổi số phận của bản thân, góp phần làm giàu cho bản thân và quê hương.
Nếu cả ngoại lực và nội lực cùng hội đủ, chắc chắn công tác giảm nghèo của thành phố nói chung và ngoại thành nói riêng sẽ có nhiều đột phá, hoàn thành mục tiêu phát triển mà không ai bị bỏ lại phía sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.