(HNM) - Vương quốc Anh vừa gửi tới Liên minh châu Âu (EU) một bản kế hoạch mới về tiến trình rời khối (Brexit). Văn bản này được Thủ tướng Anh Boris Johnson mô tả là “tối hậu thư”, đã có những điểm nhượng bộ và hy vọng EU sẽ có động thái tương xứng để khai thông bế tắc.
Trong kế hoạch mới, điều khoản "chốt chặn" (buộc Anh phải tuân thủ một số quy định của EU cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận thay thế) do EU đề xuất trước đây đã bị loại bỏ. Điều khoản này nhằm tránh phải thiết lập đường biên giới hiện hữu giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, nhưng lại là vấn đề gây nhiều tranh cãi, nhiều lần bị Hạ viện Anh bác bỏ. Theo EU, hai bên phải thống nhất được một giải pháp hoạt động, như: Ngăn chặn việc thiết lập một đường biên giới cứng, duy trì hợp tác Bắc - Nam, bảo vệ nền kinh tế Ireland, duy trì thị trường đơn nhất của EU cũng như vị trí của Cộng hòa Ireland trong thị trường này...
Để giải quyết bài toán khó, kế hoạch mới của Thủ tướng B.Johnson đề xuất tách Bắc Ireland khỏi Anh về mặt quy định hàng hóa trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là lối đi được London kỳ vọng vừa bảo đảm tính thống nhất của thị trường chung châu Âu, vừa bảo toàn được Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành (vốn chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 năm tại Ireland). Cụ thể, Anh đề nghị thiết lập vùng quản lý chung với cả Bắc Ireland và EU nhằm tránh việc các điểm kiểm tra hải quan dọc biên giới thời hậu Brexit có thể làm hình thành “biên giới mềm” giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Đây là điểm khác biệt lớn so với thỏa thuận Brexit cũ, vốn muốn duy trì cả nước Anh và Bắc Ireland trong liên minh thuế quan châu Âu.
Nhằm “mềm hóa” hoạt động hải quan, kế hoạch mới đề nghị sử dụng hệ thống kê khai hàng hóa mới, cho phép đơn giản quy trình này, đồng thời kết hợp triển khai cơ chế “doanh nghiệp đáng tin cậy”. Cơ chế này sẽ cho phép kiểm tra hàng hóa ngay tại các cơ sở giao dịch hoặc địa điểm không nằm cố định dọc theo biên giới giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland.
Trước ý tưởng mới của London, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã có đánh giá tích cực về một số khía cạnh, như việc để Bắc Ireland bước đầu tuân thủ các quy định của EU hay chấp thuận kiểm soát hàng hóa từ phần còn lại của Anh sang Bắc Ireland. Tuy nhiên, đây chỉ là "điểm sáng hiếm hoi" so với các phản ứng trái chiều. Cụ thể, Điều phối viên của Nghị viện châu Âu (EP) về Brexit Guy Verhofstadt đã có đánh giá không mấy tích cực về kế hoạch của đương kim Thủ tướng Anh, với lý do kế hoạch này chưa bảo đảm được an toàn cho Cộng hòa Ireland trong tiến trình Brexit.
Thủ tướng Cộng hòa Ireland Leo Varadkar thì cho rằng, kế hoạch mới chưa đáp ứng được đầy đủ những mục tiêu đã được hai bên nhất trí, trong đó có việc duy trì đường biên giới mềm và bảo đảm dòng chảy thương mại tự do. Bản thân Chủ tịch EC cũng cho rằng, tác động của cơ chế hải quan mới hay việc cho phép Bắc Ireland quyết định gia hạn thỏa thuận theo chu kỳ 4 năm đồng nghĩa với việc áp đặt giới hạn thời gian cho kế hoạch này. Dẫu vậy, đại diện các cơ quan EU nhất trí sẽ duy trì đàm phán với London để tìm kiếm giải pháp.
Theo các nhà phân tích, trừ khi EU chấp thuận một sự nhượng bộ đối với London trong những lần đàm phán tới thì bài toán Brexit "mềm" hy vọng mới thoát khỏi bế tắc. Ngược lại, nếu vẫn tồn tại các bất đồng như hiện nay thì nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận chắc chắn xảy ra, bởi Chính phủ hiện nay của ông Boris Johnson sẽ không đi tìm một sự gia hạn nào khác. Điều này đang tạo ra nhiều tác động tiêu cực không chỉ đối với EU hay nước Anh, mà với cả nền kinh tế thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.