(HNM) - Kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013 vừa kết thúc nhưng đã đặt ra nhiều nỗi lo về sự tồn tại hay không đối với không ít các trường ĐH ngoài công lập (NCL). Bởi vài năm trở lại đây nhiều trường NCL tuyển chỉ đạt từ 40% đến 65% chỉ tiêu, có nhiều ngành chỉ tuyển được vài thí sinh.
Thí sinh đến xét tuyển nguyện vọng bổ sung tại Trường ĐH Văn Hiến. |
Có thể nói chưa có năm nào mà các trường ĐH-CĐ NCL tuyển sinh khó khăn như năm nay. Điển hình, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP Hồ Chí Minh chỉ tuyển được hơn 200 SV trong khi chỉ tiêu là 1.000. Riêng bậc CĐ, nhà trường chỉ tuyển được hơn 20 SV cho tất cả các ngành. Tương tự, Trường CĐ Bách Việt năm nay chỉ tuyển được 1.300 SV/2.300 chỉ tiêu.
Ông Trần Mạnh Thành - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt cho biết, ngành thiết kế thời trang của trường là khó khăn nhất vì chỉ có 10 thí sinh nhập học. Cũng vậy, Trường ĐH quốc tế Sài Gòn cũng tuyển được chưa tới 100 SV bậc ĐH, đạt 1/3 chỉ tiêu. Trường ĐH Yersin Đà Lạt tuyển được gần 400 SV trong khi tổng chỉ tiêu năm nay là 700. Trường CĐ Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu bậc CĐ. Đáng buồn nhất là Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định năm nay có 500 chỉ tiêu nhưng cũng chỉ tuyển được hơn 150 SV cả bậc ĐH và CĐ.
Trong khi hàng loạt trường không tuyển đủ chỉ tiêu thì nhiều trường ĐH-CĐ NCL vẫn đông nghịt. Điển hình Trường ĐH Hoa Sen tuyển sinh đạt 100% chỉ tiêu, ĐH Lạc Hồng 100%, ĐH Văn Hiến 100%, ĐH Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh đạt trên 90%, ĐH Hồng Bàng đạt 90%. |
Không riêng gì hệ chính quy, hệ đào tạo liên thông năm nay cũng thất bại không kém. Ông Trần Kim Phước - quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định cho hay, với hệ đào tạo này, năm trước trường tuyển được gần 500 chỉ tiêu. Năm nay, chỉ tiêu liên thông chỉ còn 200 SV nhưng lượng thí sinh đăng ký mới được khoảng 1/2. Tương tự, ông Phạm Thái Sơn - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, tuyển sinh liên thông có thể sẽ rơi vào xu thế giảm dần người học. Trong khi đó, nguồn thí sinh tốt nghiệp đủ thời hạn 36 tháng đã cạn dần trong khi lượng thí sinh thuộc chu kỳ mới lại chưa có.
Bởi công tác tuyển sinh khó khăn, nhiều trường đưa ra phương án cho kỳ tuyển sinh tới. Trường ĐH Tài chính Marketing quyết định dừng hẳn việc tuyển sinh hệ CĐ mà chỉ tập trung tuyển sinh hệ ĐH. Trường ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh dù năm nay tuyển sinh hệ CĐ vừa đủ chỉ tiêu nhưng theo ông Trần Đình Lý - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, sắp tới trường sẽ không tuyển sinh hệ CĐ mà tập trung ổn định quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo hệ ĐH và sau ĐH. Một số trường khác thì muốn xin Bộ GD-ĐT "cứu" bằng việc cho tổ chức tuyển sinh riêng lần nữa trong năm nay.
Trước hiện tượng cũng là trường NCL nhưng có nơi đạt 100%, có nơi hiu hắt như trên, lãnh đạo một trường ĐH cho rằng, nguyên nhân chính các trường NCL không tuyển sinh được vì chất lượng đào tạo thấp, thiếu giảng viên, thiếu cơ sở vật chất, sinh viên ra trường không thể xin được việc làm… Vì thế, vị lãnh đạo kia cho rằng bản thân các trường trước hết cần phải chấn chỉnh lại công tác đào tạo của mình thay vì bày các chiêu trò nhằm hút thí sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.