Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng đổi thay

Trung Hiếu| 14/05/2012 06:52

(HNM) - Cộng đồng quốc tế đang trông chờ vòng đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), tại thủ đô Baghdad (Iraq) vào ngày 23-5 tới có thể hóa giải vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran.

Bởi cuộc gặp trước đó, giữa Tehran và nhóm P5+1, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 14-4, sau 14 tháng đình trệ, đã được đánh giá là mang tính xây dựng, tạo được thỏa thuận khung cho cuộc đàm phán sắp tới. Do vậy, trước cuộc đàm phán các bên đều hy vọng sẽ đạt được những tiến triển cụ thể nhằm sớm tháo "ngòi nổ" tiềm tàng tại Trung Đông.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran đang chờ nhân tố tích cực trong vòng đàm phán mới giữa Tehran với nhóm P5+1.


Tuy nhiên, những diễn biến mới nhất cho thấy niềm tin giữa hai bên vẫn chưa thực sự được tạo dựng. Tại cuộc gặp, ngày 9-5, giữa đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh Châu Âu (EU), bà Catherine Ashton với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, thảo luận về cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới, hai bên, một lần nữa nhắc lại yêu cầu mà lâu nay Tehran luôn phản đối. Đó là Iran phải ngừng mọi hoạt động làm giàu urani. Ông B.Netanyahu còn cho rằng, Tehran đang "câu giờ" và hoàn toàn không có ý định từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Trung tuần tháng 5 này, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak tiết lộ thông tin, tiềm lực hạt nhân của Iran có thể cho phép nước này sản xuất một quả bom nguyên tử chỉ trong 60 ngày sau khi thông báo. Còn Viện Khoa học và an ninh quốc tế (ISIS), có trụ sở ở Washington (Mỹ), ngày 8-5 cho biết, hình ảnh từ vệ tinh thương mại cho thấy hoạt động mới tại một căn cứ quân sự của Iran, làm gia tăng quan ngại Tehran có thể đang "tẩy rửa" một tòa nhà mà Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) muốn thanh sát... Ngay sau đó, Tehran đã có phản hồi. Ngày 9-5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast nói rằng: "họ đang giễu cợt với đất nước chúng ta" và việc "tẩy rửa" các hoạt động hạt nhân là điều không thể; đồng thời khẳng định, Iran sẽ không bao giờ ngừng chương trình làm giàu urani... Tiếp đó, đài truyền hình quốc gia Iran IRIB (13-5) dẫn lời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad nói rằng, Iran sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi chính đáng đối với việc phát triển hạt nhân và nước này sẽ không bị khuất phục trước sức ép của các cường quốc... Phát biểu của ông Mahmoud Ahmadinejad đưa ra trong khi Iran và Nhóm P5+1 chuẩn bị bước vào vòng đàm phán mới tại thủ đô Baghdad.

Thực tế đang diễn ra dự báo "sóng gió" có thể nổi lên trong vòng đàm phán tới. Nhưng, các nhà quan sát cho rằng, hy vọng chưa phải là đã hết, vẫn còn nhân tố tích cực cho cuộc đàm phán. Đó là cách tiếp cận mới của Washington về vấn đề hạt nhân của Tehran. Từ hai "gọng kìm" gây sức ép và đối thoại trong hai năm qua của Mỹ, quốc gia Trung Đông này vẫn duy trì đáng kể khả năng phát triển năng lượng hạt nhân. Vì thế, việc tìm kiếm một giải pháp trung gian theo hướng hạn chế và kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Tehran do Tổng thống B.Obama đề xuất được ủng hộ đã làm dịu bớt căng thẳng. Theo đó, Washington chỉ tìm cách ngăn chặn Iran làm giàu urani đến mức 20% và không gây khó khăn cho Tehran trong làm giàu uranium ở mức 5%, dưới sự giám sát của IAEA. Bên cạnh đó, Washington cũng chấp nhận cách tiếp cận từng bước của Nga. Trong vòng đàm phán vừa diễn ra ở Istanbul, Mỹ đã sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp và tiến tới giai đoạn tiếp theo. Trong khi đó, Iran cũng khẳng định, đạo Hồi nghiêm cấm phổ biến các loại vũ khí hạt nhân... Tất cả đã và đang tạo niềm tin mới cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng có lúc đã tới miệng hố chiến tranh.

Nội dung bản dự thảo cho cuộc đàm phán tại Baghdad đang được soạn thảo. Hai bên đã nhất trí một số điểm như chủ đề của các cuộc đàm phán là các biện pháp thực hiện Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT); Tất cả mọi cam kết đều mang tính song phương và hai bên sẽ thực hiện các điều khoản của thỏa thuận trên cơ sở hoàn thành từng giai đoạn; Iran sẽ tiếp tục được phép làm giàu urani dưới sự giám sát của IAEA... Đổi lại, Iran sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ NPT. Hy vọng một thay đổi lớn đang mở ra trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran vốn rơi vào bế tắc trong nhiều năm qua. Nhưng, theo một số nghị sĩ Iran, cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ thất bại nếu phương Tây tiếp tục kêu gọi Iran ngừng chương trình làm giàu urani.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng đổi thay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.