(HNM) -Chỉ số Dow Jones được xem như trái tim của nền kinh tế Mỹ lần đầu tiên trong 4 năm qua vượt ngưỡng 13.000 điểm vào ngày 21-2. Thị trường chứng khoán Châu Á bừng sắc xanh trong khi cổ phiếu Châu Âu cũng tạm biệt những phiên giao dịch đỏ sàn.
Đã lâu lắm, chứng khoán thế giới mới có ngày tươi sáng như thế. Chẳng còn nghi ngờ gì, sự kiện các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vừa quyết định tung chiếc phao cứu sinh thứ hai cho Hy Lạp đã không chỉ là chuyện vui của người Hy Lạp mà giới đầu tư toàn cầu cũng tạm trút được gánh nặng lâu nay bởi nỗi lo Athens vỡ nợ.
Đất nước xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải sẽ phải tiếp tục trải qua những chương trình chi tiêu hà khắc để được cứu trợ. |
Trong bối cảnh ngân khố cạn kiệt mà thời hạn phải thanh toán khoản nợ trái phiếu đáo hạn lên tới 14,43 tỷ euro vào ngày 20-3 đã ở ngay phía trước, quyết định rót thêm 130 tỷ euro từ Eurozone cho Hy Lạp là "chiếc cọc" với đất nước của các vị thần giữa lúc đang chìm nổi trong dòng nước xiết nợ nần. Ngay trước thời điểm Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, Jean - Claude Juncker chính thức công bố tin Hy Lạp sẽ thoát hiểm, cũng không có nhiều nghi ngờ Eurozone sẽ bỏ mặc Athens. Tuy nhiên, đồng ý cứu Hy Lạp trong điều kiện gói giải cứu lần 1 trị giá 110 tỷ euro đã tan như bong bóng xà phòng mà chẳng để lại hiệu ứng đáng kể nào thật không dễ dàng nhận được sự đồng thuận. Các quan chức tài chính Châu Âu chỉ tìm được tiếng nói chung trong việc kéo Hy Lạp khỏi miệng vực tan vỡ sau cuộc thảo luận kéo dài tới 13 giờ. Kèm theo đó là những điều kiện tiên quyết như Hy Lạp phải cam kết giảm nợ công hiện ở mức hơn 160% GDP xuống dưới 120,5% GDP vào năm 2020 và cho phép các quan sát viên của Liên minh Châu Âu (EU) giám sát quá trình khôi phục kinh tế tại nước này. Yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Lucas Papademos phải chấp nhận điều kiện "giám sát" là cảnh báo nghiêm khắc với khả năng hồi phục của Athens cũng như để bảo đảm khoản ngân lượng không nhỏ trong thời buổi hiện nay mà Châu Âu bỏ ra không rơi vào tình trạng một đi không trở lại.
Do vậy, đúng như nhận định của ông Juncker, khoản giải cứu mới không những có ý nghĩa sống còn với Hy Lạp khi quốc gia này đã có nguồn lực cần thiết để thanh toán một phần nợ quốc gia mà còn khẳng định thực tế, Châu Âu hoàn toàn ý thức được những vấn đề đang đối mặt. Không thể phủ nhận rằng, trong đống tơ vò nợ nần chồng chất, Châu Âu vẫn chưa thôi những nỗ lực gỡ dần các nút thắt và tìm đường ra cho những bế tắc khó có thể tưởng tượng. Trong hành trình khó khăn đó, cuộc giải cứu Hy Lạp có ý nghĩa quyết định với uy tín và vị thế của Lục địa già trên bản đồ địa - chính trị và kinh tế thế giới.
Mặc dù vậy, chẳng thể bảo đảm 130 tỷ euro vừa được Eurozone tung ra cho Hy Lạp đã là đáp số cuối cùng cho bài toán cần có sự cân bằng giữa nợ nần và tăng trưởng của Athens. Rõ ràng, gói cứu trợ mà Châu Âu vừa tung ra, dù là cần thiết nhưng chưa thể là tối ưu cho một nền kinh tế kém cạnh tranh như Hy Lạp. Để thật sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, ngoài chính phủ và chính người dân Hy Lạp xem ra không ai hoặc một tổ chức nào có thể quyết định.
Thế nhưng, người ta hẳn chưa quên những đám lửa như muốn thiêu cháy thành Athens cách đây không lâu của người dân nhằm phản đối các chương trình thắt chặt chi tiêu hà khắc của chính phủ để đổi lấy gói cứu trợ. Trái với sự hồ hởi của giới đầu tư toàn cầu trước tin cứu Hy Lạp phát đi từ Brussels, người dân nước này vẫn chưa hết bi quan về tương lai của nền kinh tế đất nước giữa lúc lương và phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Hy Lạp giảm 7% trong quý IV-2011 sẽ khó cải thiện trong quý đầu năm mới khi cuộc thắt lưng buộc bụng được khẳng định sẽ còn chặt hơn nữa có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Giảm chi tiêu công hiện là ưu tiên hàng đầu tại quốc gia có mức thâm hụt ngân sách tới 19% GDP. Tuyên bố sẽ đẩy mạnh những cải cách quan trọng về cơ cấu để khôi phục lòng tin của người dân cũng như các nhà đầu tư vừa được Chính phủ Hy Lạp đưa ra là một cam kết chính trị đầy thử thách vào lúc này. Và thế giới, dẫu lạc quan về cuộc thoát hiểm mang tên Hy Lạp vừa diễn ra vẫn mong đợi một cuộc phục hồi thực sự từ đất nước này để khẳng định Châu Âu sẽ sớm ra khỏi bóng tối.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.