(HNMO) - Ngày 29-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội chủ trì, cùng các ban HĐND thành phố khảo sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa tại huyện Sóc Sơn.
Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, trên địa bàn huyện có 3 sông chảy qua với chiều dài khoảng 80km. Ba con sông này có nhiều trữ lượng cát, sỏi, do vậy, việc khai thác cát, hoạt động bến bãi, trung chuyển vật liệu xây dựng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trên địa bàn huyện không có tình trạng khai thác, hút cát trái phép ở dưới lòng sông công khai. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lén lút hút cát trái phép vào ban đêm ở khu vực giáp ranh giữa huyện Sóc Sơn với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh và huyện Đông Anh (Hà Nội).
Để quản lý tốt lĩnh vực trên, thời gian qua, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc xử lý khai thác cát sỏi, bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép ven sông trên địa bàn. Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện đã xử phạt vi phạm hành chính nhiều đối tượng vi phạm với số tiền trên 1,76 tỷ đồng…
Đoàn khảo sát ghi nhận, huyện Sóc Sơn đã triển khai nghiêm túc chỉ đạo của thành phố trong công tác quản lý khai thác cát, sỏi và các bến thủy nội địa. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, tại một số địa điểm vẫn diễn ra tình trạng vi phạm, khai thác cát trái phép, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân. Đoàn khảo sát đề nghị huyện Sóc Sơn rà soát toàn bộ các bến bãi đang hoạt động, những điểm nào đủ điều kiện thì đề nghị cấp phép, điểm nào không đủ điều kiện thì phải kiên quyết giải tỏa, trả lại mặt bằng bảo đảm đúng theo quy định.
* Cùng ngày, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội chủ trì, cùng các ban HĐND thành phố khảo sát tiến độ thực hiện các dự án, công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn huyện Sóc Sơn được giao vốn thực hiện trong kế hoạch năm 2020.
Huyện Sóc Sơn có 17 dự án, công trình cải tạo, sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi, đê điều với tổng mức đầu tư 125 tỷ đồng, bao gồm các công trình xử lý cấp bách và duy tu, sửa chữa. Trong đó, vốn được giao năm 2020 là 85 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 10-2020, các công trình xử lý cấp bách đã giải ngân được 60% kế hoạch vốn; các công trình duy tu, sửa chữa giải ngân được 8% kế hoạch vốn.
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thu thập số liệu, thủ tục đầu tư...
Đoàn khảo sát đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan, tập trung giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công các công trình cấp bách phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát huy hiệu quả vốn đầu tư các công trình; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu đối với các công trình duy tu, sửa chữa để sớm đưa vào sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.