(HNM) - Đến nay, huyện Hoài Đức đã thực hiện giao đất dịch vụ cho 4.912 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi. Dự kiến, trong tháng 9 và tháng 12-2017, huyện tiếp tục giao đất dịch vụ cho khoảng 4.700 hộ dân...
Theo quy định, người bị thu hồi đất sẽ được hưởng chính sách giao đất dịch vụ bằng 10%, nhưng tối đa không quá 150m2/hộ đối với 1.500m2 diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Tuy nhiên, hiện huyện Hoài Đức có 1.308 hộ có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi vượt 1.500m2, nhưng cũng chỉ được hưởng chính sách như trên, trong khi đó có những hộ gia đình chung một hộ khẩu, nhưng lại nhiều nhân khẩu nên bị thiệt thòi.
Tại địa bàn xã An Khánh có 2.108 hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp với tổng diện tích 317ha để phục vụ các dự án. Trong đó, số hộ được hưởng chính sách đất dịch vụ là 2.100 hộ với diện tích 23,05ha, đã được UBND huyện Hoài Đức phê duyệt. Tuy nhiên, xã An Khánh có hàng trăm trường hợp hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp vượt 1.500m2. Ông Nguyễn Viết Vượng, cán bộ địa chính xã An Khánh cho biết: Có những hộ gia đình bị thu hồi tới 4.000 - 5.000m2 đất nông nghiệp, nhưng chưa thực hiện thủ tục chia tách diện tích đất, đang đề nghị được hưởng tỷ lệ phần trăm đất dịch vụ theo tổng diện tích đất bị thu hồi...
Một vấn đề đáng quan tâm nữa là năm 2001, xã An Khánh có 34ha đất ven đường Láng - Hòa Lạc (nay là Đại lộ Thăng Long) bị thu hồi để thực hiện dự án Cụm công nghiệp An Khánh. Theo chính sách tại thời điểm đó, những hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi chỉ được bồi thường hỗ trợ 25 triệu đồng/sào (360m2). Hiện dự án đang được điều chỉnh, tương lai sẽ chuyển thành đất ở đô thị nên các hộ đang đề nghị được hưởng chính sách đất dịch vụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Khánh Nguyễn Viết Hướng: Tính cả số hộ ở dự án Cụm công nghiệp An Khánh, xã có gần 900 hộ thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp vượt 1.500m2. Hiện xã có 15 dự án đất dịch vụ với tổng diện tích đất quy hoạch là 62,9ha, 3 dự án đã xây dựng xong hạ tầng, 6 dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư đang được xây dựng hạ tầng, 6 dự án còn lại đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Nếu được tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, quỹ đất dịch vụ của xã đủ để đáp ứng cho số hộ bị thu vượt 1.500m2 và dự án Cụm công nghiệp An Khánh...
Tương tự, trong số 1.240 hộ được hưởng chính sách đất dịch vụ của xã Di Trạch, có gần 50 hộ thuộc diện bị thu hồi vượt 1.500m2 đất. Tuy nhiên, xã Di Trạch còn gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng khu đất dịch vụ. Hai dự án đất dịch vụ ở Di Trạch có tổng diện tích 19,9ha, hiện đã xây dựng cơ sở hạ tầng xong khu 3,7ha, thuộc địa bàn thôn Ải. Khu đất dịch vụ 16,2ha của 5 thôn còn lại đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế thi công, nhưng vẫn còn 5 hộ không đồng ý với chính sách bồi thường, hỗ trợ nên vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, huyện Hoài Đức còn thiếu khoảng 5ha quỹ đất dịch vụ tại xã Vân Canh. Tại địa bàn 5 xã: Lại Yên, Di Trạch, Kim Chung, An Khánh, Vân Canh còn bị ảnh hưởng bởi chồng lấn quy hoạch các khu đất dịch vụ với diện tích 28ha...
Đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện cho các hộ dân sớm được nhận đất dịch vụ là mục tiêu huyện Hoài Đức đang hướng tới. Thế nhưng, trước hết rất cần cấp có thẩm quyền có những giải pháp tháo gỡ cho huyện những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.