Bất động sản

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn:Tháo “điểm nghẽn” về chính sách, sớm giao đất dịch vụ cho nhân dân

Hoàng Sơn 26/11/2023 06:30

Sau gần 20 năm gặp vướng mắc về chính sách giao đất dịch vụ, đến nay, huyện Mê Linh đã được các bộ, ngành trung ương và thành phố Hà Nội tháo gỡ những “điểm nghẽn”.

Hiện huyện Mê Linh đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, nhằm đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ cho nhân dân. Để hiểu rõ cách thức triển khai, tiến độ thực hiện, thời gian giao đất dịch vụ, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn về vấn đề này.

me-linh-1.jpg
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn.

Khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó

- Xin ông cho biết, trên địa bàn huyện Mê Linh có bao nhiêu hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp để triển khai các dự án đô thị, công nghiệp thuộc diện được giao đất dịch vụ?

- Khi còn thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (từ trước năm 2008), huyện Mê Linh đã thu hồi hơn 2.000ha đất nông nghiệp trên địa bàn 9/18 xã, thị trấn để triển khai các dự án với giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 12-18 triệu đồng/sào Bắc Bộ (360m2). Trước việc nhân dân bị thu hồi đất nông nghiệp nhận tiền bồi thường giá trị thấp, ngày 25-4-2004, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 15/2004/NQ-HĐ và ngày 22-7-2004, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND với chủ trương hỗ trợ (bù giá) cho người dân bằng việc giao đất dịch vụ. Chính sách này nhằm hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, bảo đảm an ninh trật tự và tạo thuận lợi cho huyện khi triển khai thu hồi đất nông nghiệp thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Qua kết quả rà soát từ ngày 1-1-1997 đến trước ngày 1-8-2008, số hộ dự kiến được giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện là 6.420 hộ. Đây là những hộ dân bị thu hồi hơn 30% diện tích đất nông nghiệp được giao theo Nghị Định số 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ. Tổng số đất dịch vụ trả cho các hộ dân là 28,2ha.

- Tuy nhiên, thực tế cho thấy là sau gần 20 năm, nhiều hộ dân vẫn chưa được nhận đất dịch vụ. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

- Thực tế không phải tất cả các hộ dân trên địa bàn 9/18 xã, thị trấn của huyện Mê Linh chưa được nhận đất dịch vụ, mà trong giai đoạn 2004-2008, UBND huyện Mê Linh đã giao đất dịch vụ cho 460 hộ dân ở thị trấn Quang Minh và 255 hộ dân của xã Đại Thịnh với diện tích là 3,8ha. Hiện còn 5.705 hộ dân chưa được giao đất do vướng mắc về cơ chế, chính sách, với diện tích đất dịch vụ cần giao là 24,4ha.

Nguyên nhân chính là từ ngày 1-8-2008, huyện Mê Linh sáp nhập vào thành phố Hà Nội, nên một số chế độ, chính sách về đất đai giữa tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội chưa đồng nhất. Trong đó, thành phố Hà Nội không có chính sách giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị, dịch vụ, công nghiệp… Ngoài ra, do chưa được thành phố chấp nhận chủ trương giao đất dịch vụ, nên từ năm 2008 đến nay, huyện Mê Linh chưa bố trí kinh phí thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ. Hơn nữa, công tác rà soát nhân khẩu, kiểm tra lại hồ sơ pháp lý các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất có nhiều biến động…, dẫn đến chậm triển khai quy trình giao đất dịch vụ cho các hộ dân.

- Trong thời gian qua, huyện Mê Linh đã vào cuộc như thế nào để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, thưa ông?

- Để bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, với tinh thần “Khó khăn đến đâu, tháo gỡ đến đó; vướng mắc ở cấp nào, cấp đó phải giải quyết”, huyện Mê Linh đã chủ động làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội để tìm “lời giải” cho bài toán đất dịch vụ. Ngoài ra, huyện đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết đất dịch vụ cho 5.705 hộ dân còn lại. Tháng 11-2022, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, sau khi nghe kiến nghị của người dân, đại diện lãnh đạo thành phố cho rằng, giao đất dịch vụ là quyền lợi chính đáng của người dân, nên đã đề nghị các thành viên trong Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Đặc biệt, ngày 6-1-2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản đồng ý với đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi trên địa bàn huyện Mê Linh. Tiếp đó, ngày 9-3-2023, UBND thành phố Hà Nội có văn bản đồng ý về chủ trương giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về giao đất dịch vụ cho các hộ dân ở huyện Mê Linh. Tháng 4-2023, UBND huyện Mê Linh đã có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chuyên môn hoàn thiện đề án tổng thể giải quyết đất dịch vụ cho nhân dân trên địa bàn.

Khẩn trương hoàn thiện hạ tầng để giao đất dịch vụ

me-linh-2.jpg
UBND huyện Mê Linh đang rà soát những khu đất dịch vụ để giao cho các hộ dân tại 9 xã, thị trấn trên địa bàn.

- “Điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách đã được tháo gỡ, vậy huyện Mê Linh triển khai kế hoạch giao đất dịch vụ cho người dân như thế nào?

- Ngay sau khi có văn bản đồng ý chủ trương giao đất dịch vụ của các cấp có thẩm quyền, toàn bộ hệ thống chính trị của huyện Mê Linh đã vào cuộc. Ngày 11-8-2023, Huyện ủy Mê Linh ban hành Đề án số 15-ĐA/HU về “Lãnh đạo, chỉ đạo giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện Mê Linh” và tổ chức các hội nghị quán triệt đề án tại các xã, thị trấn. Huyện ủy Mê Linh cũng chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo giao đất dịch vụ cấp huyện và cấp xã, thị trấn để tập trung chỉ đạo toàn diện về công tác giao đất dịch vụ cho nhân dân.

Ngoài ra, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 291/KH-UBND phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn trong triển khai nhiệm vụ. UBND huyện thành lập Hội đồng xét duyệt và Tổ công tác triển khai ở cả 3 cấp: Cấp huyện, cấp xã và ở từng thôn để thực hiện các nhiệm vụ như thông tin, tuyên truyền, rà soát, kê khai, thống kê, tổng hợp các trường hợp được giao đất dịch vụ; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ; xây dựng phương án giao đất dịch vụ; thực hiện quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân được giao đất, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định.

- Kết quả thực hiện quy trình giao đất dịch vụ cho người dân đến thời điểm này ra sao, thưa ông?

- Hiện tại, UBND huyện đang rà soát và chuẩn bị xây dựng 12 dự án hạ tầng kỹ thuật các khu đất dịch vụ, trong đó chia làm 3 nhóm. Nhóm 1, có 2 dự án tại thị trấn Quang Minh với diện tích 6,6ha, huyện đã giao đất cho các hộ dân được 3,76ha; quỹ đất 2,8ha còn lại đang hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục giao cho các hộ dân. Nhóm 2, cũng tại thị trấn Quang Minh có 2 dự án đã phê duyệt quyết định đầu tư, đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng với quy mô cung cấp đất dịch vụ là 4,56ha. Nhóm 3, gồm 8 dự án (xã Tiền Phong 7 dự án, thị trấn Chi Đông 1 dự án) đã được HĐND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2019 là đất đấu giá kết hợp đất dịch vụ có tổng diện tích 33,78ha, đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với quy mô cung cấp đất dịch vụ khoảng 18,04ha; phần còn lại dành cho đấu giá.

Bên cạnh đó, UBND huyện Mê Linh còn giao các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát quy hoạch, dự kiến đề xuất thực hiện 17 dự án, tổng mức đầu tư khoảng 940 tỷ đồng. Trong đó, tại xã Tiền Phong nhu cầu đất dịch vụ là hơn 6,8ha; thị trấn Quang Minh 6,8ha; thị trấn Chi Đông 3,7ha; xã Đại Thịnh 0,5ha; xã Mê Linh gần 2ha; xã Văn Khê 2,6ha; xã Tráng Việt khoảng 1,5ha; xã Thanh Lâm 940m2; xã Kim Hoa hơn 0,5ha.

- Vậy khi nào huyện Mê Linh có thể tiến hành giao đất dịch vụ cho người dân trên thực địa?

- Để đặt ra mốc thời gian cụ thể là rất khó. Bởi, sau gần 20 năm, hồ sơ, giấy tờ, nhân khẩu của các hộ dân đã biến động, nên huyện đang quyết liệt vào cuộc để rà soát lại quy trình, thủ tục cấp đất. Tuy nhiên, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trong năm 2024 phấn đấu hoàn thành công tác rà soát, công khai số liệu; điều chỉnh, bổ sung các vị trí đất dịch vụ; tiến hành các bước giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu đất dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2025, UBND huyện bắt đầu giao đất dịch vụ cho hộ dân các xã, thị trấn, qua đó góp phần ổn định cuộc sống của người dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn: Tháo “điểm nghẽn” về chính sách, sớm giao đất dịch vụ cho nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.