(HNMO) - Sáng 22-7, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ba Vì tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập huyện (26/7/1968 - 26/7/2018) và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...
| ||
Cách đây 50 năm, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập huyện Ba Vì trên cơ sở hợp nhất 3 huyện: Quảng Oai, Bất Bạt và Tùng Thiện. Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô, Ba Vì là vùng đất địa linh, nhân kiệt, một vùng đất cổ, độc đáo, đặc trưng của 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao với những phong tục, tập quán đặc sắc.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì đã nêu cao tinh thần đoàn kết, anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Đặc biệt là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội khoá XII về “Việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, tuy là huyện xa trung tâm, điều kiện, xuất phát điểm còn nhiều khó khăn; song với sự quan tâm đầu tư của thành phố cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, huyện Ba Vì đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện.
Nổi bật là, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá (15%/năm trong 5 năm gần đây); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng dịch vụ, du lịch và nông nghiệp. Huyện Ba Vì đã có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 104 làng, 58 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa...
Ghi nhận những đóng góp của huyện Ba Vì, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba.
Dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho huyện Ba Vì. |
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì; đồng thời, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao của các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa, các đồng chí thương, bệnh binh, người có công, gia đình cơ sở cách mạng, cơ sở kháng chiến và sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã không tiếc công sức, máu xương chung tay bảo vệ và xây dựng quê hương Ba Vì phát triển như ngày hôm nay.
Những thành quả đạt được trong 50 năm qua sẽ là những tiền đề quan trọng để Ba Vì tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo, song Chủ tịch UBND thành phố khẳng định bên cạnh thuận lợi, thời cơ, vận hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Thành phố mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì phát huy đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau.
Thứ nhất, về phát triển kinh tế: Ba Vì là huyện giàu tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh; phát triển nông nghiệp sinh thái. Vì vậy, huyện cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế chủ yếu; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, theo hướng hàng hoá có quy mô tập trung, có thương hiệu, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.
Muốn đạt được điều đó, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng huyện cần cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện cần chú ý công tác quản lý quy hoạch và thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, du lịch, các dự án về xây dựng hạ tầng, nhất là lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục; khai thác tốt các tiềm năng lợi thế tự nhiên của huyện, gắn với các loại hình du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, quản lý đất đai và bảo vệ môi trường, góp phần tích cực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Thứ hai, huyện cần tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, thành phố, các sở, ngành, các quận, huyện bạn; chủ động nghiên cứu giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động nguồn lực và sự đóng góp của các doanh nghiệp và người dân để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; tập trung chỉ đạo duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn; hoàn thành những tiêu chí cần ít vốn trước, những tiêu chí ở các xã có khả năng về đích nông thôn mới vào năm 2020. Cùng với đó là chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vững mạnh.
Thứ ba, huyện cần phát triển mạnh sự nghiệp văn hóa - xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho nhân dân; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch văn minh, đặc biệt là nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội, quan tâm công tác giải quyết việc làm và đầu tư phát triển kinh tế- xã hội khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, huyện phải thường xuyên quan tâm công tác quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, lực lượng vũ trang tinh nhuệ và sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường các biện pháp ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên địa bàn; nắm chắc tình hình, giải quyết những vụ việc phức tạp ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng.
Thứ năm, huyện cần tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; tiếp tục xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, năng lực điều hành của bộ máy chính quyền, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; mở rộng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Huyện cần tạo điều kiện để mỗi cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị hướng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của huyện.
Thứ sáu, Ba Vì cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018”...; kết hợp với tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang và những thành tựu mà huyện đạt được trong 50 năm qua; tạo sự lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, lòng tự hào, ý thức trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Ba Vì.
Trước yêu cầu, đòi hỏi của thời kỳ hội nhập và phát triển, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, huyện Ba Vì cần xác định phải phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng, phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo, khắc phục hơn nữa những khó khăn để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển huyện Ba Vì và Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.