Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng xử lý rác thải tạo điện năng

Khanh Lê| 15/12/2018 07:06

(HNM) - Trước nhu cầu bức thiết về xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội, các cán bộ, kỹ sư của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long đã nghiên cứu thành công nhiều công trình xử lý rác thải hiệu quả và tiến tới vừa xử lý được rác không phân loại, vừa tạo ra điện năng.


Trong số các công trình tham dự Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2017, công trình nghiên cứu “Quy trình và hệ thống thiết bị sấy rác sử dụng thiết bị thu hồi nhiệt có khối vật liệu thu hồi nhiệt không chuyển động và phương pháp sắp xếp khối vật liệu” của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long đã đạt giải Nhì. Đây là công trình đạt giải cao nhất trong số 5 công trình của Hà Nội tham dự cuộc thi.

Nhà máy xử lý rác thải Sơn Tây của Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long.


Đề cập đến tính mới của đề tài, Ban tổ chức Giải thưởng cho biết, kết quả công trình nghiên cứu là một hệ thống trao đổi nhiệt, có ít nhất 2 thiết bị thu hồi nhiệt làm việc luân phiên. Đây là chi tiết sáng tạo, hiện chưa có cơ sở đốt rác thải nào áp dụng tại Việt Nam. Sản phẩm có khả năng ứng dụng và nhân rộng rất tốt, do hệ thống thiết kế theo mô-đun, có thể dễ dàng áp dụng vào các nhà máy có quy mô, công suất khác nhau. Ngoài ra, hệ thống cho phép tận dụng nhiệt dư thừa từ sau lò đốt cho việc sấy hoặc nâng nhiệt của các công nghệ khác có nhu cầu. Hiệu quả kinh tế của đề tài là giảm tới 90% nhiên liệu dầu DO so với các hệ thống lò đốt rác thông thường. Công trình đã quy tụ được các nhà khoa học trong các chuyên ngành công nghệ, vật liệu, nhiệt học… trên địa bàn thành phố. Đề tài khi đưa vào ứng dụng sẽ là chìa khóa để phát triển ngành công nghiệp xử lý chất thải cho Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Tác giả Nguyễn Phúc Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Do thành phần rác của các đô thị Việt Nam, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội thường rất hỗn tạp, không được phân loại, nên việc đốt rác là hết sức khó khăn. Nhiều dự án nước ngoài đã tham gia vào lĩnh vực này, với số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD, song không mang lại hiệu quả. Hiện tại, các cơ sở đốt rác chủ yếu với quy mô nhỏ (khoảng 1-2 tấn/ngày), hong khô rác trong các lò nhỏ có công suất 200-300 tấn/ngày. Còn những rác ẩm ướt, rác hữu cơ không đốt được, lại chính là các thành phần gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Thực trạng này đã thôi thúc nhóm nghiên cứu kiên trì theo đuổi đề tài về một công nghệ đốt rác tiên tiến hơn, phát triển trên một nguyên lý và vật liệu mới hoàn toàn. Nhóm nghiên cứu đã mất 3 năm để đi tới thành công.

Đáng chú ý, vào năm 2012, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Thăng Long với công trình "Quy trình công nghệ, hệ thống xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt tiêu hủy có thu hồi nhiệt" cũng đã được Ban Tổ chức Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam 2012 trao giải Ba (lĩnh vực bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên). Năm 2016, công ty được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã thực hiện một chương trình hết sức ý nghĩa với thành phố là cơ giới hóa công tác thu gom rác TP Hà Nội. Nhờ đó, số lượng các điểm tập trung xe gom rác đã giảm rõ rệt, tiến tới trong một vài năm tới, các điểm tập kết xe rác trên đường phố Hà Nội sẽ không còn.

Tâm huyết với vấn đề bảo vệ môi trường, tác giả Nguyễn Phúc Thành cho biết, ông và các cộng sự vẫn tiếp tục nghiên cứu công nghệ xử lý rác không phân loại, từ đó tạo ra điện năng. Ông Thành khẳng định, đối với tình trạng rác tổng hợp như ở Việt Nam sẽ phải có cách thức xử lý khác, nhưng vẫn cần đáp ứng được yêu cầu tạo năng lượng. “Tôi rất mong giải pháp này có thể sử dụng rộng rãi, thay cho những công nghệ nước ngoài đắt tiền. Rác của người Việt, người Việt có thể xử lý”, ông Thành nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng xử lý rác thải tạo điện năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.