(HNM) - Thời gian qua, nhiều địa phương của Hà Nội đã tích cực chuyển đổi sang trồng cây ăn quả nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho người dân.
Mô hình trồng cây ăn quả đang phát triển ở một số địa phương. |
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả của thành phố khoảng 16.700ha, tập trung ở các huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức... Một số địa phương đã áp dụng kinh nghiệm trồng, thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học về trồng cây ăn quả như: Sử dụng túi bao quả, nuôi cấy mô… Để nâng cao hiệu quả, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân từng bước nâng cao nhận thức, tay nghề về lựa chọn giống, phân bón, kỹ thuật bón phân cho từng loại cây theo giai đoạn sinh trưởng; giúp nông dân nhận biết và phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán, khoanh vỏ, kích thích ra hoa, chống rụng quả... Qua đó, hiệu quả kinh tế tại một số mô hình đã đạt khá. Đơn cử như: Bưởi Diễn đạt 500 đến 550 triệu đồng/ha/năm, cam Canh đạt 700 triệu đồng đến 800 triệu đồng/ha/năm, nhãn chín muộn đạt 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm, chuối đạt 190 triệu đồng/ha/năm…
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều vùng đất khó khăn trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như: Vùng trồng cây ăn quả 200ha ở các xã: Cao Viên, Kim An, Thanh Mai… thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong phát triển mô hình trồng cây ăn quả vẫn còn khó khăn do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phân tán. Một số nơi, người dân đầu tư thâm canh thấp, ứng dụng kỹ thuật mới còn hạn chế nên năng suất chưa cao. Ngoài ra, công tác quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn bất cập; chất lượng, giá trị cây ăn quả chưa đạt nên tính cạnh tranh trên thị trường thấp, thu nhập của nông dân chưa tương xứng với tiềm năng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, về thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, người dân chưa có kho riêng lưu giữ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; không có sổ sách theo dõi chủng loại, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngày sử dụng; hiện tượng chăn thả gia súc, gia cầm vẫn diễn ra trong giai đoạn thu hoạch ở các vườn cây ăn quả, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật có hại trên vỏ quả. Ngoài ra, các địa phương cũng chưa chú trọng tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây ăn quả để truy xuất nguồn gốc xuất xứ...
Để mô hình trồng cây ăn quả phát huy hiệu quả, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây ăn quả, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất cây ăn quả tại Hà Nội. Mục tiêu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả đạt từ 17.000 đến 17.500ha, trong đó 9.000ha sản xuất chuyên canh tập trung; xây dựng mô hình đồng bộ về giống, kỹ thuật chăm sóc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và sơ chế cây ăn quả. Sở phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn cho người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học hữu cơ trong sản xuất cây ăn quả; hỗ trợ thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xử lý môi trường cho diện tích trồng cây ăn quả giống mới; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng từng vùng.
Các sở, ngành tham mưu cho thành phố có chính sách thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây ăn quả, từng bước xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại với năng suất, chất lượng vượt trội, an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.