Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới tăng trưởng bền vững

Văn Ngọc Thủy| 28/02/2020 06:28

(HNM) - Hai tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã gây ra những tác động không nhỏ đến tình hình xuất khẩu của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Mặc dù Hà Nội vẫn tiếp tục là một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của cả nước, nhưng kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm chỉ đạt hơn 1,728 tỷ USD, giảm khoảng 405 triệu USD (19%) so với cùng kỳ năm 2019.

Điều đáng nói là thời gian tới, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp thì những ngành phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước có dịch có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Trong đó, ngành Dệt may bị tác động rõ rệt nhất do 50% nguồn nguyên, phụ liệu nhập từ Trung Quốc và 10,2% nhập từ Hàn Quốc... Các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có quy mô nhỏ với năng lực tài chính yếu, tổ chức sản xuất nhiều hạn chế cũng là đối tượng chịu tác động lớn từ dịch Covid-19; khi doanh thu của doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này từ đầu năm đến nay chỉ còn 10-40% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, thành phố Hà Nội đang quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung trong Hội nghị triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 ngày 26-2 vừa qua đã nhấn mạnh, thời điểm này, công tác phòng, chống dịch là ưu tiên số một nhưng bên cạnh đó, phải chủ động đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy hoạt động đầu tư, chuẩn bị cho sự bứt phá ngay khi hết dịch; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận và vay vốn; hỗ trợ doanh nghiệp trong các phương án sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động… Cũng trong ngày 26-2, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị khẩn số 05/CT-BCT về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.

Soi chiếu từ thực tế hiện nay, để bảo đảm xuất khẩu bền vững, giảm dần sự lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, các doanh nghiệp cần chủ động khai thác cơ hội, lợi thế từ hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, cần tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)...

Ngoài ra, cần xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hình thức xuất khẩu tại chỗ, nhất là với những sản phẩm của các làng nghề thủ công truyền thống như đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan, gốm sứ, may mặc, thêu ren… nhằm phát huy lợi thế hơn 300 làng nghề truyền thống đã được công nhận của Thủ đô. Đồng thời, tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các khu, cụm công nghiệp tập trung, cơ sở hạ tầng logistics, hệ thống dịch vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu…

Cùng với đó là phát triển những ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu mới, dựa trên lợi thế của Hà Nội và phù hợp với xu hướng biến đổi của thị trường thế giới. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ; chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng.

Song song với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và Cách mạng công nghiệp 4.0, bản thân mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục chủ động nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu vững chắc. Chỉ như vậy lĩnh vực xuất khẩu mới tăng trưởng bền vững và có thể đứng vững mỗi khi thị trường có những biến động do thiên tai, dịch bệnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới tăng trưởng bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.