(HNM) - Năm 2021 vừa đi qua với dấu ấn nền kinh tế vượt khó khá ngoạn mục trong quý IV. Đó là tiền đề để phát huy, hướng tới sự phục hồi kinh tế toàn diện và mạnh mẽ hơn trong năm 2022. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Thị Hương về nội dung này.
- Xin bà cho biết những nét chính về tình hình kinh tế năm 2021?
- Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4-2021 có tốc độ lây lan nhanh chóng, phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với những quyết sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu đã được hỗ trợ hiệu quả, đạt kết quả đáng khích lệ. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV-2021 tăng 5,22%, góp phần đưa tăng trưởng của năm 2021 đạt 2,58%. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4 tỷ USD. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tính đến ngày 20-12-2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.
- Dự báo áp lực lạm phát năm 2022 rất lớn. Bà có thể cho biết quan điểm của mình về vấn đề kiểm soát lạm phát?
- Chúng tôi đánh giá áp lực lạm phát là rất lớn. Khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng lên, lạm phát sẽ chịu tác động của tăng giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thế giới và giá cước vận chuyển. Việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, từ đó đẩy giá tiêu dùng trong nước lên cao. Ngoài ra, giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng sẽ tác động vào giá thực phẩm. Giá dịch vụ giáo dục tăng trở lại do một số địa phương kết thúc thời gian được miễn, giảm học phí năm học 2021-2022... Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí tăng trở lại cũng tác động không nhỏ tới chỉ số giá chung.
- Vậy các giải pháp kiềm chế lạm phát là gì, thưa bà?
- Để kiềm chế lạm phát trong năm 2022, chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để đưa ra chính sách phù hợp.
Thứ hai, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, có giải pháp hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này. Bộ Công Thương chủ động thúc đẩy sản xuất, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa; thông tin kịp thời các chính sách nhằm loại bỏ hiện tượng lạm phát do tâm lý.
Thứ ba, giá nguyên liệu trên thế giới sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Do đó, Chính phủ cần thực hiện các biện pháp ngoại giao để duy trì nguồn nguyên liệu thô; hỗ trợ doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, bảo đảm ổn định giá thành sản xuất.
- Xin bà cho biết những nền tảng để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2022?
- Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể dựa vào một số yếu tố, như kế thừa những kết quả đạt được từ việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020 và lực đẩy từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, tạo tiền đề cho điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ hiệu quả hơn.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch với các gói hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ là cơ hội cho doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất trên diện rộng và mạnh mẽ hơn trước. Cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cao. Ngoài ra, triển vọng về tiêu dùng trong nước dự báo sẽ tích cực hơn nhờ hỗ trợ từ gia tăng thu nhập, mở rộng việc làm.
Đặc biệt, những sửa đổi gần đây trong Luật Đầu tư công sẽ giúp cải thiện hoạt động đầu tư bằng cách đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện để giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn. Nhiều ngành, lĩnh vực chuyển hướng sang ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ đó tạo ra các hình thức sản xuất, kinh doanh mới đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiếp tục mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho những hoạt động thương mại và đầu tư lớn hơn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ duy trì và có thể mở rộng hơn khi Việt Nam mở trở lại các đường bay quốc tế trong thời gian tới.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.