(HNM) - Với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hà Nội đã triển khai những giải pháp linh hoạt, phù hợp, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tính đến hết năm 2022, thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; còn 3 huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thành thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023. Ngoài ra, toàn thành phố đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Khác với nhiều địa phương, việc xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô Hà Nội có điểm đáng chú ý là thành phố tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển đô thị và bảo vệ môi trường, gắn với việc hoàn thành những tiêu chí xây dựng huyện thành quận và xã thành phường. Kết quả nổi bật đó đang được thể hiện rõ nét ở 5 huyện đang có chủ trương phát triển thành quận, là: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Hoài Đức.
Điều đáng mừng, đến thời điểm này, có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Trên tinh thần xây dựng nông thôn mới là không có điểm dừng, nhất là ở những địa phương đang trong lộ trình phát triển huyện thành quận và xã thành phường, mới đây, trong Thông báo kết luận về Hội nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” quý I-2023, nhiệm vụ và giải pháp quý II-2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo 5 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm và Hoài Đức tiếp tục rà soát các tiêu chí, hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.
Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đòi hỏi những địa phương này phải kết hợp hài hòa, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cũng như hoàn thiện các tiêu chí huyện thành quận, xã thành phường, cùng hướng đến mục tiêu cao nhất là kiên định xây dựng, phát triển nông thôn, đô thị văn hiến, văn minh và hiện đại. Tinh thần này cần phải thấm sâu trong hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân ở 5 huyện; đồng thời các ngành liên quan của thành phố cần quán triệt sâu sắc, phối hợp cùng các địa phương thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ kế hoạch đề ra của thành phố về xây dựng nông thôn mới...
Đặc biệt, các huyện chủ động đề xuất những chính sách xây dựng nông thôn mới theo hướng phù hợp với thực tiễn ở địa phương. Đồng thời, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành những tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo đúng kế hoạch; quan tâm thực hiện nghiêm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường; sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội phải đồng bộ, hiện đại, hài hòa… Thực hiện tốt và hiệu quả những nhiệm vụ này cũng là hướng đến xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại, hiện thực hóa mục tiêu quan trọng nhất: Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.