Chiều 16-1, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp bất thường lần thứ năm, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu đóng góp ý kiến về việc bảo đảm tính thống nhất, giúp các địa phương có thể thực hiện ngay khi Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được thông qua.
Điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết: Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận chiều nay tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị viết lại Điểm c Khoản 1 Điều 4 như sau: “HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm của từng chương trình mục tiêu quốc gia chi tiết đến dự án thành phần cho các đơn vị cấp tỉnh; phân bổ tổng thể nguồn kinh phí cho cấp huyện. Giao HĐND cấp huyện quyết định phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã, đơn vị cấp huyện”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu mong muốn Quốc hội quan tâm chính sách hỗ trợ trẻ dưới 6 tuổi là con hộ nghèo được đi nhà trẻ, đi mẫu giáo. Mức hỗ trợ tùy vào hoàn cảnh của gia đình, của địa phương.
Theo đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, quy định Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm theo tổng kinh phí chi thường xuyên cho từng chương trình mục tiêu quốc gia và giao cho HĐND địa phương phân bổ chi tiết đến từng dự án thành phần là hoàn toàn phù hợp, giúp các địa phương chủ động hơn và phân bổ sát thực tiễn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cũng theo đại biểu, nên xem xét giao HĐND cấp tỉnh phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố trong tổng kinh phí chi thường xuyên và giao HĐND cấp huyện phân bổ chi tiết đến từng dự án nội dung thành phần; qua đó giúp cho các huyện chủ động và sử dụng chi thường xuyên sát thực tiễn, hiệu quả.
“Việc quy định HĐND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tiễn, được quyết định lựa chọn một huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp là phù hợp. Đồng thời, Nghị quyết cần quy định trên cơ sở kết quả phân cấp, HĐND cấp tỉnh có thể quyết định phân cấp thêm cho các huyện khác nhưng không vượt quá 50% số đơn vị cấp huyện trên địa bàn”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) nêu.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu, với 8 ý kiến thảo luận tại hội trường cùng 100 ý kiến thảo luận tại tổ cho thấy, các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sau phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cũng đã tổ chức thẩm tra kịp thời và có báo cáo thể hiện đầy đủ quan điểm của mình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội nhanh chóng có báo cáo tổng hợp. Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp Ban soạn thảo và các Ủy ban Quốc hội ngay trong ngày hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết tại phiên họp sáng 17-1, bảo đảm cho ngày 18-1, Quốc hội biểu quyết thông qua.
Trước đó, sáng cùng ngày, Quốc hội đã nghe tờ trình dự thảo Nghị quyết và thảo luận tại tổ về nội dung này. Đa số đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung, chính sách trong dự thảo theo đề xuất của Chính phủ. Các đại biểu cũng đề nghị, việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cần tuân thủ nguyên tắc: Bảo bảo tính đặc thù, không tạo ra các rào cản mới; có ý nghĩa lâu dài, làm cơ sở đánh giá, tổng kết chương trình trong giai đoạn sau...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.