Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đến mô hình chuỗi liên kết

Thế Văn| 14/10/2019 06:51

(HNM) - Có một thực tế là trong khi nhiều hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ rơi vào tình trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” vì giá gà (đặc biệt là gà công nghiệp) giảm đến mức kỷ lục trong vòng mười năm trở lại đây thì chủ những trang trại gia cầm tham gia các chuỗi liên kết xuất khẩu vẫn “bình chân như vại”. Vì sao lại có câu chuyện ấy?

Có thể xem bệnh Dịch tả lợn châu Phi là một tác nhân bởi số lượng lợn bị tiêu hủy lớn và người chăn nuôi không thể nhanh chóng tái đàn. Đón bắt những thiếu hụt từ thị trường (thịt lợn), nhiều hộ chăn nuôi đã “ào ạt” chuyển sang nuôi gà công nghiệp vì thời gian nuôi nhanh (chỉ mất từ 35 đến 40 ngày). Vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, tổng đàn gà đã tăng đột biến. Tăng trưởng “nóng”, thiếu sự kiểm soát dẫn đến cung vượt cầu. Hậu quả là giá gà giảm, người chăn nuôi thua lỗ. 

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát mới thua lỗ, còn những trang trại có quy mô công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, nuôi gia công cho các doanh nghiệp lớn, tham gia các chuỗi liên kết xuất khẩu đều có đầu ra ổn định, thì người nuôi không bị ảnh hưởng nhiều.

Mặt khác, nhiều người cho rằng, giá gà giảm do trong 8 tháng năm 2019, các doanh nghiệp đã nhập khoảng 100.000 tấn thịt gà, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và mức giá bán tại các siêu thị rất cạnh tranh so với thịt gà nội địa. Tuy nhiên, lượng thịt gà nhập khẩu là các sản phẩm phụ như đùi, cánh, chân… nên chỉ tác động phần nào đến thị trường. Và, trong tương lai, việc nhập khẩu này vẫn là câu chuyện dài song hành cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi và điều này cũng giúp người tiêu dùng nước nhà có thêm nhiều lựa chọn.  

Nói như vậy để thấy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá gà giảm, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thua lỗ chính là do lối làm ăn tự phát dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát. Đây là vấn đề không mới và trong thời gian qua, người nông dân ở nhiều vùng, miền trong cả nước đã phải trả giá cho cung cách làm ăn thiếu tính toán dài hơi này.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, hướng đến mô hình liên kết chuỗi với doanh nghiệp là hướng đi tin cậy, là cách để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, “giải thoát” người chăn nuôi gia cầm khỏi tình trạng mất ăn, mất ngủ mỗi khi “rơi giá”.

Do đó, việc cần làm ngay lúc này là tuyên truyền, khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang các mô hình liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất khép kín cung ứng sản phẩm ra thị trường. Cùng với đó là tạo thêm các cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp có sản phẩm gia cầm xuất khẩu mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm… Đây là việc phải làm trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay.

Mặt khác, tổng đàn gia cầm hiện nay đã tăng, nhưng so với bình quân đầu người thì vẫn thấp, do vậy, ngoài việc mở rộng chăn nuôi một cách bài bản, có quy hoạch và kiểm soát chặt chẽ thì việc gia tăng thị phần thịt gà lên 25% (hiện nay là 20% đến 21%) và giảm thị phần thịt lợn là định hướng cần thiết để ngành chăn nuôi phát triển cân đối, theo kịp xu thế tiêu dùng… 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương và Hội nông dân các cấp, cần có định hướng kịp thời, nhất là trong bối cảnh ngành chăn nuôi có những diễn biến bất thường để người dân không lúng túng, xác định được hướng đầu tư dài hạn. Ngành chăn nuôi cần căn cứ vào quy hoạch, dự báo về sức tiêu thụ của thị trường để khuyến cáo người chăn nuôi nên đầu tư theo hướng nào. Tránh việc để người dân tính toán theo thói quen, kinh nghiệm dẫn đến đầu tư tự phát...

Hướng đến mô hình chuỗi liên kết giá trị, "buôn có bạn, bán có phường", từ bỏ cung cách chăn nuôi thiếu tính toán căn cơ sẽ góp phần quan trọng giúp người chăn nuôi gia cầm nói riêng và nông dân nói chung tránh được tình trạng "được mùa rớt giá" bấy lâu nay.     

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến mô hình chuỗi liên kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.