Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăn nuôi gia cầm gặp khó nhưng nhập khẩu hàng đông lạnh tăng mạnh

Ngọc Quỳnh| 27/04/2023 12:07

(HNMO) - Ngày 27-4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: BNews/TTXVN

Báo cáo tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thủy cầm lớn thứ hai thế giới. Trong quý I-2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. 

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, sau đại dịch Covid-19, ngành chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng còn nhiều thách thức, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến kiểm soát dịch bệnh còn khó khăn.

Đặc biệt, giá gia cầm liên tục giảm. Trong các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000-35.000 đồng/kg thịt hơi.

Giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung, miền Nam, tùy thời điểm và vùng miền. Đối với gà lông trắng, giá bình quân từ đầu năm 2023 đến nay là 25.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất là 29.000 đồng/kg. Ngoài ra, trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động 1.750-2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200-2.400 đồng/quả.

Trong khi chăn nuôi gia cầm trong nước gặp khó khăn thì sản phẩm nhập khẩu thịt gà đông lạnh tăng cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng sản xuất trong nước.

Ví dụ, năm 2021 nhập 225.000 tấn thịt gà đông lạnh, năm 2022 nhập 246.000 tấn, 3 tháng đầu năm 2023, lượng gà giống dùng để làm thịt nhập về Việt Nam là 1.120 tấn; lượng thịt gia cầm đã qua giết mổ nhập về đạt 47.817 tấn, gây áp lực rất lớn cho thị trường tiêu thụ trong nước.

Một thực tế là các doanh nghiệp nội đang bị yếu thế so với doanh nghiệp FDI, nông dân nuôi nhỏ lẻ đang đứng trước nguy cơ bị loại dần khỏi cuộc chơi. 

Sớm tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho chăn nuôi gia cầm, thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045, định hướng đến năm 2030, duy trì tổng đàn gà từ 500 đến 550 triệu con, trong đó khoảng 60% được nuôi theo phương thức công nghiệp; tổng đàn thủy cầm từ 100 đến 120 triệu con, trong đó khoảng 40% được nuôi theo phương thức công nghiệp; sản lượng trứng khoảng 23 tỷ quả...

Để đạt mục tiêu đề ra, tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, các địa phương cần phát triển chăn nuôi giống bản địa, đặc sản có giá trị cao, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.

Cùng với đó, phát triển chăn nuôi gia cầm theo phương thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao tại các trang trại và doanh nghiệp lớn; đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ để giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư, bảo đảm an toàn sinh học, thuận lợi cho xử lý môi trường và phòng, chống dịch bệnh; chủ động nguồn giống, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm nhu cầu trong nước, phát triển chăn nuôi an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế, yêu cầu của nước nhập khẩu, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp chú trọng vào giết mổ, chế biến, chế biến sâu, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi gia cầm để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu; tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng. Trên cơ sở đó có cơ sở dữ liệu để đánh giá, dự báo thị trường gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp tình hình mới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi gia cầm gặp khó nhưng nhập khẩu hàng đông lạnh tăng mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.