(HNMO)- Sau cuốn tản văn phố cổ Hà Nội, Công ty sách Phương Nam tiếp tục cho ra mắt 2 cuốn tản văn của nhiều tác giả về cố đô Huế. Hai cuốn sách đã mô tả đậm nét văn hóa Huế qua cách ăn và cách mặc như “Mộng mơ và ăn cay nói nặng” và “Áo bay khép mở nhiều tâm sự”…
(HNMO)- Sau cuốn tản văn phố cổ Hà Nội, Công ty sách Phương Nam tiếp tục cho ra mắt 2 cuốn tản văn của nhiều tác giả về cố đô Huế. Hai cuốn sách đã mô tả đậm nét văn hóa Huế qua cách ăn và cách mặc như “Mộng mơ và ăn cay nói nặng” và “Áo bay khép mở nhiều tâm sự”…
Trong “Mộng mơ và ăn cay nói nặng”: Huế xuất hiện quen thuộc với những mỹ từ: đẹp thơ, mơ mộng, e ấp, hay đa sầu, đa cảm…Nhưng còn một Huế rất lạ với mọi miền đất nước: Huế của ăn cay nói nặng. Có lẽ do thời tiết và khẩu vị thân quen qua bao đời mà ở Huế ăn món gì cũng phải cay. Cơm hến thì phải có ớt chìa vôi để cắn, bún bò Huế thì phải thật cay mới đậm đà hương vị. Ăn cay rồi nói cũng cay. Nói cay cũng là nói nặng. Nặng không ở cái giọng “trọ trẹ” mà nặng về nghĩa rất khác xa với tiếng Việt. Tỉ như họ nói một loạt “mô-tê-ri-tê” cứ như tiếng nước ngoài nào đó, nhưng là nghĩa tiếng Việt “ở đâu – tại sao – thế này – chỗ khác”. Người xứ khác đến Huế, nghe một bà hàng xóm báo tin dữ với khách đến tìm thăm rằng “cấy dôn nó mới đánh chắc ngoài cươi” (nghĩa là “vợ chồng nó mới đánh nhau ngoài sân”) thì chắc phải ngớ người vì không hiểu “mô-tê” gì cả. Nhưng dẫu ăn cay nói nặng, Huế vẫn ẩn chứa một trời ngọt ngào trữ tình, dịu dàng và sâu lắng, để người xa Huế nhớ thương, lưu luyến mãi không nguôi.
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi đi trên con đường làng dài và hẹp” (Trích “Tôi đi học” – Thanh Tịnh).
“Áo bay khép mở nhiều tâm sự” lại nhấn mạnh vẻ đẹp của tà áo dài Huế vốn đã nổi tiếng khắp nước Nam. Theo bước chân trường tồn của đôi bờ sông Hương, mái chùa Thiên Mụ, tà áo dài Huế cùng chiếc nón bài thơ đã trở thành một biểu tượng đẹp của xứ mộng mơ. Những tà áo tím bên dòng Hương Giang hay những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh qua bến đò Thừa Phủ, qua cầu Trường Tiền… tím buồn và trắng vui, khép mở bao niềm tâm sự. Áo dài Huế gần gũi không chỉ với nữ sinh Đồng Khánh hay phụ nữ khuê các mà còn rất mặn mà với giới bình dân mua gánh bán bưng. Trong tấm áo dài bạc màu vì một nắng hai sương, nối tay, nối vạt vì thiếu vải hay may bằng nhung điều quyền quý, người phụ nữ vẫn phảng phất nét đoan trang, dịu dàng đến e ấp, nhẹ như tà áo bay bay trong gió thời gian…
“Sông Hương, một dòng sông đẹp, sôi nổi với những ghềnh thác đầu nguồn, mềm mại quàng lấy thành phố như một dải lụa, hài hòa tuyệt diệu với thiên nhiên xinh đẹp và hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền chùa; với hàng trăm điệu hò, điệu lý; với những ngày hội vật, hội đua trải, đua ghe; với mảnh vườn và con người xứ Huế, là nguồn cảm hứng vô tận của người nghệ sĩ, thu hút sự say mê của nhiều khách phương xa. Không những là một dòng sông lịch sử, sông Hương còn là không gian văn hóa làm nảy sinh những loại hình nghệ thuật, những hội hè đinh đám, là không gian của thi ca, nhạc họa, là dòng chảy để văn hóa Huế luân lưu không ngừng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.