(HNMO) - Ngày 12-6, trao đổi với phóng viên, đại diện của Honda khẳng định hệ thống sản xuất tại Việt Nam hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự cố tấn công mạng mà hãng vấp phải trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, hệ thống bán hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng của Honda Việt Nam cũng gần như không chịu tác động nào. Hãng xe Nhật Bản khẳng định sẽ đưa ra những đối sách phù hợp để khắc phục các lỗi hệ thống còn tồn tại để đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh diễn ra bình thường.
Trước đó, ngày 10-6 (giờ Việt Nam), Honda Nhật Bản đã xác nhận việc bị tấn công mạng, một vi rút lạ đã phát tán trên toàn hệ thống, gây gián đoạn hoạt động trên quy mô toàn cầu. Hệ quả là toàn bộ hệ thống dịch vụ khách hàng và dịch vụ tài chính phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, Honda khẳng định, mọi thông tin được lưu trữ, trong đó có thông tin của khách hàng, không hề bị rò rỉ.
Đây không phải lần đầu tiên Honda trở thành nạn nhân của tấn công công nghệ cao. Hồi năm 2017, hãng đã buộc phải đóng cửa một nhà máy ô tô tại Nhật Bản khi các hệ thống máy tính tại đây bị mã độc tống tiền WannaCry xâm nhập.
Vụ tấn công lần này tiếp tục dấy lên nghi ngại về khả năng bảo mật của các hãng ô tô. Nhiều ý kiến gần đây cho rằng, các thương hiệu bốn bánh cần cải thiện năng lực bảo mật, nhất là khi những chiếc xe ngày càng sở hữu năng lực kết nối mạnh mẽ hơn.
Thời gian vừa qua, hàng loạt các vụ việc liên quan tới vấn đề bảo mật đã xảy ra, có thể kể đến như: Tin tặc điều khiển ô tô bằng tin nhắn; những tên trộm lấy cắp Tesla Model S bằng việc chiếm quyền điều khiển chìa khóa; hay Fiat Chrysler phải triệu hồi tới 1,4 triệu xe trên toàn cầu vì lý do bảo mật…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.