(HNM) - Bất kỳ ai khi ra đường cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người điều khiển phương tiện giao thông đang độ tuổi học đường vượt đèn đỏ, đi sai làn quy định, đi vào đường cấm, “leo” vỉa hè… Không ít trường hợp
Học sinh vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là thực trạng đáng lo ngại. Hậu quả nhãn tiền là không ít trường hợp gặp tai nạn hết sức thương tâm hoặc phải trả giá đắt bằng sức khỏe và cả tương lai đang rộng dài phía trước. Ở góc độ xã hội, có thể thấy, đang tồn tại một lỗ hổng lớn trong việc trang bị kỹ năng sống, từ đó góp phần hình thành ý thức trách nhiệm công dân, trước hết là bảo đảm an toàn cho bản thân, sau đó là cho cộng đồng, nơi lớp trẻ.
Xử lý vi phạm, ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là yêu cầu có ý nghĩa xã hội lớn. Trong Công điện số 1224/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ Quốc khánh 2-9 và khai giảng năm học mới 2017-2018 xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương triển khai “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9”. Các trường học không chỉ đẩy mạnh giáo dục kiến thức, quy định về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo việc ký cam kết chấp hành giữa nhà trường, gia đình và học sinh, mà còn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực cổng trường học…
Tại Hà Nội, ngay sau ngày khai giảng, tất cả các trường đã tập trung phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh; lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho học sinh trong các giờ chào cờ, sinh hoạt lớp, ngoại khóa, tiết giáo dục công dân... Tuy nhiên, trách nhiệm trước hết và chủ yếu lại thuộc về chính mỗi gia đình. Có con em đang độ “ăn chưa no, lo chưa tới”, chính các bậc phụ huynh phải là tấm gương cho con cái về ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Chở con trên xe máy mà ông bố hoặc bà mẹ sẵn sàng vượt đèn đỏ, lạng lách, “trèo” vỉa hè, “quên” đội mũ bảo hiểm cho con… thì đây là những “thị phạm” tiêu cực, khiến con trẻ làm theo. Đặc biệt, bất kể vì lý do gì - bận bịu, chiều chuộng… - các gia đình không được trang bị loại phương tiện cho trẻ chưa đủ tuổi, chưa được sử dụng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thông qua những buổi trò chuyện, thông tin, các bậc phụ huynh vừa phải là người hướng dẫn, vừa là người vun đắp kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông cho con mình.
Ở phía nhà trường, cùng với những nội dung có tính phổ biến, giảng dạy, các trường dứt khoát cần có hình thức xử lý một cách phù hợp với học sinh khi mà nhiều trường hợp vi phạm không khó để nhận thấy. Và, với lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, cảnh sát khu vực… mỗi một vi phạm hành chính về giao thông của đối tượng đang tuổi đến trường, phải được áp dụng mức xử lý cao nhất để bảo đảm răn đe. Sự xuê xoa, cả nể… trước “cuộc gọi từ người thân” trong những trường hợp này vô hình trung chỉ khuyến khích vi phạm.
Xây dựng ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông cho học sinh không chỉ nhằm giảm thiểu nguy cơ trước mắt cho trẻ, quan trọng hơn còn là để trang bị kỹ năng sống, hình thành ý thức trách nhiệm công dân cho thế hệ tương lai, rõ ràng là việc phải làm rất cẩn trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.