(HNM) -
Vậy đâu là những nhân tố quyết định làm nên thành công của giải cũng như điều gì đã giúp Ban tổ chức (BTC) giải vượt qua rất nhiều khó khăn để duy trì và tổ chức giải ngày một tốt hơn suốt 40 năm qua? Cần làm gì để phát huy truyền thống 40 năm, để sức sống của giải đấu luôn lan tỏa trong người dân Hà Nội và cả bạn bè quốc tế rất ý nghĩa với thông điệp Vì hòa bình? Để trả lời những câu hỏi này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Xuân Trình và nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tây (cũ) Đắc Hữu - Những người đã một thời trực tiếp tham gia công tác tổ chức và điều hành Giải chạy Báo Hànộimới và Giải Việt dã Báo Hà Tây.
Hội tụ và lan tỏa
- Thưa hai ông, Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình, trong đó bao gồm cả truyền thống Giải Việt dã báo Hà Tây hợp nhất, có là một thương hiệu lớn…?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Thực sự đã là một thương hiệu, bởi 40 năm là một thời gian tương đối dài, ngót nửa thế kỷ rồi. Thủ đô là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thể dục - thể thao (TDTT). Giải đã “trụ” được suốt 40 năm, có sức lan tỏa ra cả nước. Sau này, khi Giải Việt dã Báo Hà Tây (cũ) hợp nhất với Giải chạy Báo Hànộimới, giải đấu càng thêm được nâng tầm cả về quy mô và chất lượng…
- Ông Đắc Hữu: Khi còn giữ cương vị Tổng biên tập Báo Hà Tây (cũ), trực tiếp chỉ đạo tổ chức gần 20 kỳ Giải Việt dã Báo Hà Tây, tôi vẫn thường coi Giải chạy báo Hànộimới như một mô hình tiêu biểu để học tập. Hiếm có một giải cấp thành phố nào có thể duy trì tổ chức liên tục 40 năm, mà mỗi năm giải lại tiến lên một bước mới, quy mô hơn, hấp dẫn hơn...
- Các ông đánh giá thế nào về nỗ lực của các đơn vị trong khâu tổ chức và chuyên môn?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Đã gọi là giải chạy, tất nhiên phải liên quan trực tiếp đến TDTT. Vì vậy, không thể không nói đến sự vào cuộc mạnh mẽ, bài bản, mang tính chuyên môn cao của Sở VH-TT&DL cùng Liên đoàn Điền kinh Hà Nội. Cùng với đó là nỗ lực của Báo Hànộimới, ghi dấu ấn đậm nét trong việc tuyên truyền mạnh mẽ, khích lệ phong trào, kêu gọi sự đầu tư xã hội hóa. Báo Hànộimới, với vị thế của mình, đã giúp tăng cường tuyên truyền về giải trên các phương tiện thông tin đại chúng cả nước. Trong đó, đặc biệt phải ghi nhận sự góp sức của Đài Truyền hình Việt Nam, đơn vị đã 13 năm liên tiếp truyền hình trực tiếp giải chạy. Nhưng trên hết là sự chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo thành phố Hà Nội, mà trực tiếp nhất là đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố các nhiệm kỳ với vai trò Trưởng ban chỉ đạo giải…
- Ông Đắc Hữu: Tôi muốn nhấn mạnh nhiều hơn đến vị trí “chủ trò” của cơ quan báo Hànộimới. Đây là giải do UBND thành phố chủ trì, nhưng một khi đã vinh dự được mang tên, Báo Hànộimới đã chủ động xắn tay vào cuộc mạnh mẽ. Tôi đánh giá cao bản lĩnh và năng lực chuyên môn, cũng như quyết tâm của tập thể Báo Hànộimới, bởi nếu không, khó có thể giữ được sức sống bền bỉ của giải đấu suốt 40 năm qua với quy mô và khí thế mạnh mẽ như vậy.
- Nhưng còn phải kể đến rất nhiều yếu tố quyết định làm nên thành công khác...
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Đầu tiên phải kể đến nhân tố con người, với sự chuyển biến nhận thức từ lãnh đạo thành phố trong việc quan tâm đến hoạt động thể thao mang tính chất là cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng Thủ đô hướng theo cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Nhiều vị lãnh đạo thành phố các thời kỳ đều thường xuyên quan tâm khích lệ phát triển phong trào. Từ nhận thức ấy, cộng với sự chỉ đạo sâu sát, chứ không phải khoán trắng cho cấp dưới, nên công tác tổ chức giải do hai cơ quan thường trực là Báo Hànộimới và Sở VH-TT&DL Hà Nội, luôn luôn được thực hiện có quy mô, bài bản, huy động được sự vào cuộc tổng lực của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, tạo được khí thế mạnh mẽ. Nhân tố quyết định thứ hai chính là kinh phí. Nguồn ngân sách hằng năm dành cho giải rất quan trọng nhưng nếu không huy động thêm được kinh phí từ nguồn xã hội hóa sẽ trở ngại rất lớn đến quy mô, chất lượng giải...
- Ông Đắc Hữu: Tôi muốn nói thêm về sự vào cuộc của các cấp, ngành, quận, huyện, thị xã, đơn vị cơ sở đã hào hứng, tích cực tham gia giải theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Mỗi ngày chạy ở cơ sở chính là một ngày hội, qua đó, chúng ta tìm được rất nhiều hạt nhân năng khiếu.
- Theo các ông, đâu là những điểm khó khăn nhất trong quá trình duy trì và tổ chức giải?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Như tôi vừa đề cập, khó khăn nhất là vấn đề kinh phí. Lo lắm. Trong chuyện này, vai trò của Báo Hànộimới là rất lớn, nhằm tìm thêm nguồn kinh phí hỗ trợ công tác tổ chức và chi phí giải thưởng… Nhờ có chủ trương xã hội hóa, Báo Hànộimới đã vào cuộc mạnh mẽ, huy động được thêm nhiều nguồn để cấp trang phục cho VĐV, tăng giải thưởng, tặng thêm quà và hiện vật; đã nâng cấp thành giải thi đấu có thành tích, phải có phần thưởng hấp dẫn để khuyến khích các VĐV.
- Ông Đắc Hữu: Tôi nghĩ, điều đáng lo nhất với BTC là phải tìm lời giải cho câu hỏi: “Làm thế nào để duy trì giải đấu cho tốt, kỳ sau hay hơn, hấp dẫn hơn, chứ không phải làm theo kiểu “đến hẹn thì làm cho đủ lệ bộ”. Điều này, 40 năm qua, BTC đã làm rất tốt để giải đấu đi vào tiềm thức của người dân Thủ đô.
- Được mang tên một giải đấu cấp thành phố là một vinh dự, nhưng gánh trách nhiệm càng nặng nề, thưa các ông?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Nói thực là Báo Hànộimới không chỉ nhận trách nhiệm, mà còn giành trách nhiệm về mình!
- Cụm từ “giành trách nhiệm” nghe hơi lạ, xin ông giải thích rõ hơn?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Tôi nhớ cuối những năm 1990, cứ gần đến tháng 10, phóng viên thể thao Hoàng Tuấn lại nhắc: Sắp đến chung kết giải rồi anh nhé. Chẳng giấy tờ, văn bản, kế hoạch gì. Tôi nghĩ: Không được. Giải mang tên báo, nên Hànộimới phải chủ động vào cuộc chứ. Làm gì cũng vậy, muốn thành công, phải mạnh ngay từ khâu tổ chức ban đầu. Tôi lên gặp lãnh đạo thành phố, đề xuất nâng thành giải cấp thành phố, có quy chế, tiêu chuẩn thi đua, kế hoạch tổ chức, huy động lực lượng cụ thể... Nhận thức rõ về tầm vóc của một cuộc chạy mang ý nghĩa biểu dương lực lượng quần chúng Thủ đô, hưởng ứng cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, lãnh đạo thành phố thống nhất ngay, và từ đó, Trưởng ban chỉ đạo giải thường là một đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách văn - xã. Ban chỉ đạo gồm 13 sở, ban, ngành, do Báo Hànộimới và Sở TDTT khi ấy làm hai cơ quan thường trực. Đó là năm 2000. Rồi khi Hà Nội nhận danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, giải có thêm yếu tố chạy vì hòa bình, nên Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội được bổ sung vào Ban chỉ đạo. Từ đó, mỗi năm đều có quyết định thành lập BTC riêng, do Tổng Biên tập Báo Hànộimới làm Trưởng BTC và mở rộng ra cả nước khi nhiều tỉnh, thành, nhiều đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội tham gia thi đấu...
- Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi đó chính là bước ngoặt lớn để giải tiếp tục phát triển mạnh mẽ?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Thực sự như vậy. Kể từ đó, công tác tổ chức “đi vào quy lát”, bài bản. Tất cả cùng vào cuộc, dưới sự chỉ đạo xuyên suốt của thành phố. BTC các cấp triển khai mọi việc đâu vào đấy, có kế hoạch chi tiết từng kỳ giải.
- Ông Đắc Hữu: Đó đúng là một bước chuyển rất quan trọng, khi mà hệ thống tổ chức thi đấu được thống nhất về cơ cấu ngay từ cấp cơ sở, đến cấp quận, huyện và thành phố. Rõ ràng thông qua giải đấu, nhận thức của mọi người về giá trị của việc tập TDTT ngày càng được chuyển biến hơn, niềm tự hào và ý thức phải duy trì giải đấu giàu truyền thống này cũng ngày càng ăn sâu vào tâm thức hơn...
- Từ giải chạy, chúng ta đã tạo được môi trường để phát hiện và nuôi dưỡng nhân tài, góp sức cùng sự lớn mạnh của điền kinh Việt Nam hiện nay...
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Tôi không thể nhớ hết có bao nhiêu VĐV sau này thành danh đã một thời được phát hiện từ chính cái nôi là Giải chạy Báo Hànộimới. Chỉ đơn cử vài VĐV tên tuổi một thời như Bùi Lương, Trần Hữu Chỉ, Đặng Thị Tèo, Nguyễn Thị Tĩnh… đã đủ để ghi nhận đóng góp của giải.
- Ông Đắc Hữu: Thực sự đây chính là nơi ươm mầm hạt giống, phát hiện, bồi dưỡng đào tạo VĐV. Rất nhiều VĐV “chân đất” đã trưởng thành từ phong trào chạy này.
Luôn làm mới mình: Nói được, làm được
- Phải chăng yếu tố căn bản giúp giải luôn có sức sống bền bỉ, gắn bó với mỗi người dân, đó là BTC đã luôn làm mới, để giải năm sau phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn năm trước?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Đúng vậy. Còn nhớ hồi tôi làm Tổng Biên tập, Trưởng BTC giải, năm nào phóng viên VTV3 cũng phỏng vấn tôi một câu, rằng: “Ông có thể cho biết nét mới của giải năm nay?”. Và thực sự là năm nào cũng có cái mới! Bản thân cái tên Hànộimới đã thể hiện trách nhiệm của tờ báo, đó là phải thường xuyên làm mới mình. Đáng lưu ý, cái mới thể hiện không chỉ từng năm, mà còn mang dấu ấn của từng giai đoạn rất rõ nét. Thuở mới ra đời, giải mang tính chất cục bộ của hai đơn vị tổ chức là Sở TDTT và báo Hànộimới. Các cuộc chạy thường mang tính chất diễu hành biểu dương lực lượng, chạy tập thể, mỗi đội 40 người, chia 4 hàng ngang, với tiêu chí chấm điểm xét thưởng là “đều - khỏe - đẹp”, vừa chạy vừa hô “1-2-3-4”. Hô vang, đội hình đẹp, chạy đều là có giải. Không tính thành tích như hiện nay. Rồi đến bước chuyển, nâng cấp thành giải cấp thành phố, chạy Vì hòa bình như đã nói. Năm 2004, giải thêm yếu tố “mở rộng”, BTC mời thêm đội tuyển các tỉnh, thành, ngành. Năm 2008, Giải Việt dã Báo Hà Tây hợp nhất cùng Giải chạy Báo Hànộimới, giải càng mạnh hơn, được nâng tầm hơn.
- Ông Đắc Hữu: Phải luôn luôn tìm tòi cái mới. Đem bản lĩnh đó vào công tác tổ chức, tuyên truyền, BTC giải chạy Báo Hànộimới đã làm được rất tốt điều này.
- Thực ra làm mới mình, nói thì dễ, nhưng làm được rất khó, nhất là khi gặp cái “bó” về kinh phí…
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Tìm được nguồn kinh phí xã hội hóa luôn là bài toán khó. Nếu chỉ trông chờ ngân sách, khó có thể mở rộng đối tượng, hỗ trợ các tỉnh, thành, ngành về tranh tài với VĐV Thủ đô. Kể từ khi có chủ trương xã hội hóa TDTT, báo Hànộimới đã cố gắng, khéo léo tìm thêm các nguồn thu từ doanh nghiệp. Và nhờ nguồn thu này, VĐV dự giải được cấp trang phục, kinh phí giải thưởng cũng được nâng cao...
Chúng ta sống và làm việc ở một thời đại mà xã hội hóa có thể diễn ra ở mọi chỗ, mọi nơi. Những năm gần đây, có đến hàng trăm nghìn đơn vị trên địa bàn Thủ đô tham gia tổ chức Giải chạy Báo Hànộimới ở đơn vị mình mỗi năm, kinh phí do đơn vị tự túc. Hiếm có giải đấu nào trên cả nước có thể làm được điều đó.
- Ông Đắc Hữu: Muốn huy động được nguồn thu từ doanh nghiệp, cần phải để các đơn vị thấy rõ giá trị của sự kiện thể thao mang đậm ý nghĩa chính trị - xã hội này, và thấy được chính lợi ích của chính mình trong đó. Tôi thấy kỳ giải 40 năm 2013, dù đang ở thời điểm kinh tế khó khăn, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp tham gia tài trợ cho giải đấu, và điều đó thật đáng biểu dương.
Khát vọng hòa bình…
- Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, cuộc chạy Vì hòa bình giàu truyền thống giữa trời thu Hà Nội sẽ càng thêm ý nghĩa…
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Vì sao cứ mỗi năm, lực lượng dự giải, trong đó có người nước ngoài, các đại sứ, các tổ chức quốc tế, học sinh, sinh viên các nước đang học tập và làm việc trên địa bàn Thủ đô lại ngày một đông hơn? Đó là bởi âm hưởng về một cuộc chạy Vì hòa bình ngay giữa khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội, giữa cờ hoa rực rỡ dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10, đã vang rất xa. Và rằng, khát vọng hòa bình luôn luôn là mục tiêu chung mà cả nhân loại hướng tới, nên mọi người sẵn sàng hưởng ứng. Những hoạt động ý nghĩa như chạy hưởng ứng Vì hòa bình, ký cờ hòa bình gửi đến Liên hợp quốc, đọc Thông điệp Vì hòa bình... được truyền hình trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam chắc chắn sẽ có giá trị rất lớn trong bối cảnh thế giới hiện nay.
- Ông Đắc Hữu: Tôi thấy kỳ giải năm nay, có đến hơn 250 VĐV thuộc 29 đại sứ quán, các tổ chức nước ngoài cùng đăng ký tham dự giải, chưa kể lực lượng của hơn 20 đội tuyển tỉnh, thành, ngành và lực lượng của chính điền kinh Hà Nội. Một cuộc chạy thi đua lấy thành tích cao, nhưng lại thể hiện khát vọng hòa bình sẽ luôn cuốn hút được mọi người.
- Để phát huy tốt những ưu điểm về ý nghĩa chính trị, xã hội, thể thao của giải, theo các ông, chúng ta sẽ phải lưu ý những khâu gì?
- Ông Nguyễn Xuân Trình: Chúng ta đã có truyền thống 40 năm tổ chức giải đấu thành công, không lý gì mà không phát huy nó ngày một tốt hơn. Bán marathon, thậm chí marathon có thể trở thành một nội dung thi đấu của giải lắm chứ. Hay ý tưởng về một giải đấu quốc tế mở rộng cũng rất hay. Nếu tìm được nguồn tài trợ xã hội hóa nhiều hơn nữa, tôi tin giải sẽ ngày càng có điều kiện phát triển bền vững cùng với sự phát triển ổn định và bền vững của Thủ đô.
- Ông Đắc Hữu: BTC đã làm rất tốt khâu tuyên truyền, huy động sức mạnh tổng lực của các sở, ban, ngành, thậm chí ở cả cấp cơ sở. Tôi tin truyền thống 40 năm giải chạy sẽ càng được nhân lên, tỏa sáng mạnh mẽ hơn.
- Xin trân trọng cảm ơn các ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.