Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo khoa học về 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân

Theo Vietnamplus| 26/01/2018 18:06

Sáng 26-1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968-2018) - Tầm vóc và bài học lịch sử.

Hội thảo nhằm làm sáng tỏ chủ trương đúng đắn, sáng tạo và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam, cùng các cấp bộ đảng ở miền Nam đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Quân giải phóng truy kích địch trong trận tiến công ngày 2-1-1968 tại khu vực Bà Chiêm, Tây Ninh. (Ảnh: Tư liệu: TTXVN)


Cùng với đó, các đại biểu dự hội thảo khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân, bài học; tôn vinh sự hy sinh, đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân trực tiếp chiến đấu trên chiến trường miền Nam và nhân dân cả nước; đồng thời, phản bác những luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc ý nghĩa và thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân.

Đặc biệt, hội thảo còn là dịp giáo dục truyền thống, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh quốc tế luôn biến động và cuộc đấu tranh xây dựng, bảo vệ Đảng trong sạch, vững mạnh hiện nay.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý cho biết, cách đây tròn 50 năm, vào mùa Xuân năm Mậu Thân 1968, quân và dân ta tại miền Nam đã nêu cao quyết tâm thực hiện chủ trương giành thắng lợi quyết định của Trung ương Đảng, tiến hành cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa long trời, lở đất, đánh thẳng vào sào huyệt của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, sau này được gọi với tên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là đòn tiến công bất ngờ lớn đánh vào các trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Mặc dù còn một số đánh giá chưa thống nhất nhưng Tết Mậu Thân là chiến thắng lớn mà lớn nhất là làm lung lay, tiến đến đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng được bằng quân sự ở Việt Nam cho dù đã đưa gần nửa triệu quân Mỹ vào tham chiến.

Tác động to lớn, trực tiếp của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân buộc Mỹ phải hạn chế ném bom, bắn phá miền Bắc, tiến đến chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, tham gia đàm phán hòa bình nhằm tìm lối thoát ra khỏi cuộc chiến tranh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý nhấn mạnh kỷ niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là dịp để khẳng định những tác động lớn lao của chiến thắng này đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tôn vinh những đóng góp, hy sinh của quân và dân Việt Nam nói chung; làm sáng tỏ thêm những giá trị, đúc kết những bài học hữu ích, phát huy tinh thần và sức mạnh của cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

Tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà (Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đã phân tích một số vấn đề nổi bật tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Cuộc tổng tiến công là sự kiện mang tính bước ngoặt của cuộc chiến tranh. Đây là cố gắng quân sự lớn nhất, thể hiện quyết tâm cao nhất giành thắng lợi quyết định của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đánh dấu sự phát triển lên đến đỉnh cao nghệ thuật chỉ đạo tiến hành chiến tranh của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đồng thời, cuộc Tổng tiến công tạo nên một làn sóng phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam mạnh mẽ nhất ở trong lòng nước Mỹ và trên phạm vi thế giới…

Bàn về bài học đại đoàn kết toàn dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân để lại những bài học lịch sử vô cùng sâu sắc về phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc hôm nay và mai sau. Đó là sự thống nhất, đồng lòng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và tài thao lược của Quân ủy Trung ương về nắm bắt thời cơ, chủ động sẵn sàng, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống.

Cùng với đó, thường xuyên quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch; nhận thức rõ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thế trận lòng dân, thế trận phòng thủ, thế trận quốc phòng, an ninh; kế thừa và phát huy truyền thống, bản chất tốt đẹp, đoàn kết quân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết, đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề như khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo và quyết tâm to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân miền Bắc và cán bộ, chiến sỹ, quần chúng cách mạng trên chiến trường miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân; phân tích ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thắng lợi và những bài học lịch sử của cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học về 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.