(HNMO) - Sáng 23-11, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai các Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XII).
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. |
Điểm cầu chính đặt tại phòng họp Diên hồng, Tòa nhà Quốc hội (số 1 đường Độc Lập, quận Ba Đình, Hà Nội) được truyền trực tuyến tới 74 điểm cầu tỉnh, thành phố và các cơ quan trung ương.
Dự hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; các Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể trung ương; các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương...
Dự hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội đặt tại trụ sở Thành ủy (số 219, đường Trần Phú, quận Hà Đông) có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các Thành ủy viên; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, các đảng ủy trực thuộc Thành ủy... Hội nghị còn được trực tuyến tới 30 điểm cầu tại trụ sở 30 quận, huyện, thị xã và một số điểm cầu khác.
Đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng cho biết, thời gian qua, việc tổ chức học tập nghị quyết theo hình thức trực tuyến đã được thực hiện nền nếp, đạt kết quả tốt, được các tổ chức Đảng đánh giá cao. Đây là cách làm có tác dụng thiết thực, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng trong thời gian tới đây.
Quang cảnh hội nghị |
Theo Thường trực Ban Bí thư, Hội nghị Trung ương 8 diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khoá XII, có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua Quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và một số vấn đề quan trọng khác.
Các nghị quyết, quy định, kết luận lần này có ý nghĩa quan trọng liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh do Đại hội XII của Đảng đề ra và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.
Chính vì vậy, hội nghị quán triệt, triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8 có ý nghĩa quan trọng. Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng được Bộ Chính trị giao trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia trong quá trình xây dựng các đề án, giới thiệu nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương một cách chi tiết cả nội dung và kết quả quá trình nghiên cứu, thảo luận và quyết định để các đại biểu hiểu sâu, nắm chắc những vấn đề cơ bản, những vấn đề mới, cốt lõi để có thêm kiến thức làm tốt công tác giới thiệu, quán triệt các nội dung của Hội nghị Trung ương 8 cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng tại địa phương, đơn vị mình.
Tham dự hội nghị lần này là cán bộ chủ chốt từ cấp huyện trở lên và ở nhiều địa phương có sự tham dự của các đồng chí cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn. Đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Việc các đồng chí tham dự hội nghị đông đủ tại các điểm cầu trong cả nước và chất lượng học tập là thể hiện chúng ta đã thực hiện trách nhiệm nêu gương về học tập nghị quyết của Đảng”.
Thường trực Ban Bí thư đề nghị các đại biểu đề cao tinh thần trách nhiệm, chú ý lắng nghe báo cáo viên trình bày, kết hợp với nghiên cứu tài liệu, trao đổi, thảo luận, liên hệ thực tiễn ở địa phương và đơn vị mình.
Sau hội nghị, các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, đoàn thể nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt việc triển khai học tập, quán triệt, tuyên truyền, giới thiệu nghị quyết, quy định, kết luận đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình.
Quán triệt, học tập, tuyên truyền về nghị quyết cần coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, đồng thời chỉ đạo quyết liệt đưa nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhất là phải thực hiện ngay Quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Thực hiện trách nhiệm nêu gương là cam kết chính trị
Tiếp theo, hội nghị đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính giới thiệu, quán triệt Quy định số 08-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Quy định gồm 4 điều, được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển các quy định về trách nhiệm của đảng viên đã được Bộ Chính trị ban hành. Nội dung nêu gương được khái quát thành 8 điểm xây và 8 điểm chống.
Trình bày tóm tắt về sự cần thiết, quá trình xây dựng quy định và những nội dung cơ bản của Quy định số 08-QĐi/TƯ, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, quá trình nghiên cứu và xây dựng, lấy ý kiến rất công phu, thận trọng; bảo đảm sát tình hình thực tế, trọng tâm trọng điểm, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và không để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá. Tại hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành một ngày thảo luận ở tổ và hội trường, có 148 ý kiến đóng góp. Quy định rất ngắn nhưng các ý kiến đóng góp rất phong phú. Sau hội nghị, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, các cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cân nhắc nhiều mặt, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, hợp lý của Trung ương về nội dung, bố cục, cách diễn đạt và xin ý kiến một lần nữa của tất cả các Ủy viên Trung ương Đảng bằng văn bản. Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định: "Nội dung quy định cô đọng, ngắn gọn, súc tích và tập trung được trí tuệ, sự thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương.”
Kết thúc phần giới thiệu, quán triệt Quy định số 08-QĐi/TƯ, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đã thực sự góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay; đề cao giá trị tự soi, tự sửa, tự kiểm điểm, tự chỉnh đốn; đồng thời răn đe, cảnh báo, phòng ngừa nguy cơ sai phạm của từng cán bộ đảng viên. Thực hiện trách nhiệm nêu gương theo Quy định chính là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của các đồng chí là Ủy viên Trung ương đối với chính mình, đối với toàn Đảng, toàn dân; đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, là nét văn hóa của mỗi cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị. Cán bộ đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải nêu gương, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ từ trên xuống dưới trong toàn hệ thống chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế
Giới thiệu, quán triệt Kết luận số 37-KL/TƯ về “Tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2019”, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù còn một số khó khăn, thách thức và hạn chế, nhưng tổng hợp khả năng thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua cho năm 2018, trong 12 chỉ tiêu dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP có ý nghĩa quan trọng, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc, củng cố quốc phòng, ổn định trật tự, an toàn xã hội... Những kết quả này là minh chứng thuyết phục khẳng định sự nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ trong những năm qua là đúng đắn, hiệu quả.
Giới thiệu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 tiếp tục được hưởng lợi nhờ triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu, các yếu tố tích cực nội tại. Bên cạnh đó cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức mà lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài. Đồng chí nhấn mạnh, năm 2018 và 2019 là hai năm có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới còn nhiều rủi ro, thách thức, năm 2019, tiếp tục kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, các cấp, các ngành cần tập trung, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động bất thường của nền kinh tế.
Nêu rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm, Phó Thủ tướng khẳng định, cả nước phải kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững gắn với quyết liệt thực hiện các đột phá lớn và đẩy nhanh hơn nữa đổi mới tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Cùng với đẩy nhanh hơn nữa tiến độ cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực, khu vực, ngành hàng..., các cấp, các ngành quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh
Giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, kế thừa và phát huy kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TƯ ngày 9-2-2007 của Hội nghị Trung ương 4 (khoá X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Nghị quyết số 36-NQ/TƯ chứa đựng nhiều nội dung mới trong 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, 5 chủ trương lớn, 3 khâu đột phá và 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Nghị quyết thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nguyện vọng của nhân dân đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.
Đáng chú ý, theo nghị quyết, đến năm 2030, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển. Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Các đảo có người dân sinh sống có hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đầy đủ, đặc biệt là điện, nước ngọt, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục...
Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện
Kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, theo báo cáo tổng hợp, đã có trên 405.000 đại biểu tham gia hội nghị tại hơn 2.750 điểm cầu trên cả nước; nhiều địa phương kết nối hội nghị trực tuyến đến cấp xã. Đồng chí Võ Văn Thưởng hoan nghênh các đại biểu đã lãnh đạo, chỉ đạo và tham gia hội nghị nghiêm túc, gương mẫu, trách nhiệm. Thay mặt Ban Bí thư, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu, sau hội nghị này, các đơn vị tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, triển khai các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khoá XII) theo đúng hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Các cấp ủy, tổ chức Đảng bố trí thời gian thoả đáng để thảo luận, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện bảo đảm sát thực, sớm đưa các nghị quyết, quy định, kết luận vào cuộc sống.
Lưu ý việc thực hiện Quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, cán bộ chủ chốt các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, gắn với thực hiện các quy định nêu gương đã có và tự giác nêu gương của bản thân; tránh hiểu sai đây là quy định dành cho các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, không phải trách nhiệm của mình.
Trong quá trình thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8, các cấp, các ngành cần gắn với đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; tăng cường đôn đốc tổ chức học tập, thực hiện nghị quyết một cách thường xuyên; kiểm tra, giám sát việc thực hiện, khen thưởng nơi làm tốt, phê bình, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân chưa làm tốt. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu các cơ quan báo chí trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền rộng rãi các nội dung Hội nghị Trung ương 8...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.