(HNM) - Không chỉ đến khi tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì việc tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu Việt - Trung mới gặp khó, mà đó là chuyện hầu như năm nào cũng xảy ra với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là vấn đề không mới ấy được giải quyết như thế nào trong những năm qua?
Cách đây vài ngày, trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời", Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân cho biết, lối canh tác nhỏ lẻ, công nghệ sau thu hoạch (CNSTH) chưa được coi trọng chính là lý do để hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam yếu thế trên thị trường xuất khẩu. Đó cũng là nguyên nhân chính để người nông dân luôn rơi nước mắt vì cảnh "được mùa, mất giá".
Không khó để thấy rằng trình độ CNSTH nói chung của Việt Nam quá lạc hậu. Theo các chuyên gia, chúng ta chỉ hơn được các nước Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines và một vài lĩnh vực ngang hàng với Indonesia, Malaysia. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do việc ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế; do người nông dân thiếu kinh nghiệm và do người làm quản lý thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về CNSTH. Trong khi đó, nền sản xuất hiện đại đòi hỏi từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đưa sản phẩm ra thị trường phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, đặc biệt là khâu truy xuất nguồn gốc. Để thực hiện một quy trình khép kín như vậy, dám chắc rằng rất ít nông dân nước ta có thể làm được nếu thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đáng tiếc là đến nay, số doanh nghiệp đầu tư sản xuất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít, dẫn đến nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ. Điều đó dẫn đến hệ quả là nông sản Việt Nam rất khó thâm nhập vào những thị trường "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Châu Âu.
Một vấn đề nữa là việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi vẫn khá chậm chạp. Câu chuyện vải thiều ở Bắc Giang; thanh long ở Ninh Thuận, Bình Thuận; cao su, cà phê, hồ tiêu ở Tây Nguyên... cứ "được mùa, rớt giá" hoặc phải chặt bỏ do giá thành xuống thấp vẫn "đến hẹn lại lên", kéo dài từ năm này qua năm khác mà chưa thấy rõ dấu ấn quản lý, điều tiết thị trường là điển hình. Đáng nói là ở một góc độ khác, Việt Nam lại là "thiên đường" cho hàng nông sản nhập khẩu khi phần lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương, bột cá, bột xương...) phải nhập khẩu. Và một chuyện "thật như đùa" nữa là mỗi năm nước ta phải nhập khẩu hàng nghìn tấn cỏ để chăn nuôi gia súc!
Trong một nền kinh tế hội nhập, việc cùng xuất khẩu - nhập khẩu một mặt hàng là lẽ thường tình, thế nhưng phải nhập khẩu cả những loại trong nước có khả năng sản xuất là điều hết sức đáng ngại. Tại hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3-7, các chuyên gia một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng lệ thuộc vào một thị trường của nhiều ngành kinh tế ở nước ta. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, nếu không quyết liệt thay đổi thì tình cảnh "được mùa, rớt giá" sẽ còn tiếp tục xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.