Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động thương mại điện tử: Nguy cơ tiềm ẩn

Thanh Hiền| 25/11/2014 06:46

(HNM) - Chỉ cần ngồi nhà lướt web, người tiêu dùng đã có thể mua sắm đủ loại hàng hóa… Với ưu thế tiết kiệm thời gian, chi phí, không bị yếu tố địa lý hạn chế khi tiếp cận, hình thức mua bán qua mạng đang ngày càng phổ biến và mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn.

Việt Nam là một trong những quốc gia có số người dùng internet tăng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay 42% dân số nước ta sử dụng mạng internet và 58% số đó đã từng mua sắm hàng hóa nhờ tham khảo thông tin trên mạng. Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, những yếu tố như cơ sở hạ tầng, hành lang pháp lý, kỹ thuật… đều khá thuận lợi cho việc thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến tại Việt Nam ngày càng phát triển.

Doanh thu từ thị trường thương mại điện tử hiện đang rất cao.


Bán hàng trực tuyến giúp giảm tối đa chi phí, thời gian, rút ngắn khoảng cách địa lý, đối tượng khách hàng cũng đa dạng. Môi trường không giới hạn của internet đã mở ra cho các nhà kinh doanh cơ hội quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Dựa trên số lượng sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và số lượng giao dịch có thể thấy hai loại mặt hàng được bán trực tuyến phổ biến nhất là thời trang và công nghệ (điện thoại, điện tử và đồ gia dụng), khi chiếm hơn 80% tỷ trọng hàng hóa và hơn 50% doanh thu bán hàng trực tuyến.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) cho biết: Ước tính doanh thu từ thị trường TMĐT Việt Nam năm 2015 có thể đạt 4 tỷ USD. Dự báo này có cơ sở khi thegioidi dong.com đặt kế hoạch doanh thu eCommerce năm 2014 là hơn 1.000 tỷ đồng, FPT Retail hơn 500 tỷ đồng, Nguyễn Kim hơn 200 tỷ đồng… Bên cạnh đó, sàn TMĐT Sendo.vn vừa tuyên bố sẽ chiếm lĩnh vị trí số một trong mảng giao dịch khách hàng - đến khách hàng. Hiện giao dịch qua hệ thống của sàn này đã đạt khoảng 500 tỷ đồng.

Để thúc đẩy phát triển TMĐT, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép tổ chức "Ngày mua sắm trực tuyến" lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam vào ngày 5-12-2014. Đến nay, chương trình đã thu hút hơn 500 doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có nhiều website bán hàng online lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển nhanh của TMĐT, nhất là các hình thức bán hàng qua mạng đã bộc lộ một số hiện tượng tiêu cực như nạn bán hàng giả, hàng nhái, lừa đảo người tiêu dùng… Vì thế cùng với việc khuyến khích phát triển TMĐT, Bộ Công thương sẽ siết chặt việc quản lý, giám sát hoạt động của các website bán hàng qua mạng để giảm các hành vi tiêu cực. Thông tư 12/2013 của Bộ Công thương quy định thủ tục thông báo, đăng ký và công bố thông tin liên quan đến websie TMĐT có hiệu lực hơn một năm nay. Nhưng để kịp thời bịt những lỗ hổng pháp lý hiện tại, đồng thời giảm các hành vi tiêu cực do sự biến tướng quá nhanh của các hình thức bán hàng online, Bộ Công thương đang sửa đổi thông tư này, bổ sung các chế tài cụ thể. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin đang phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xây dựng website tiếp nhận ý kiến từ người dân phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm của website bán hàng online. Cơ quan quản lý cũng đưa ra tín hiệu cảnh báo để người tiêu dùng biết và tránh những rủi ro có thể phát sinh khi mua hàng qua mạng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động thương mại điện tử: Nguy cơ tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.